Monday, December 19, 2011

Mưa Huế

Hơn hai mươi năm tôi mới được nhìn lại một cơn mưa tầm tã đầu mùa của Sài Gòn. Mưa Sài Gòn đến và đi hối hả với vẻ tất bật, rộn ràng và tình cờ ghé lại. Hiền như mưa trên phố ! Cứ đi với mưa, sẽ nghe được tiếng mưa vui trong lòng, mưa reo rào rạt bên hè phố, mưa xao xác trên mái ngói, mưa lách tách trên mái tôn. Những sợi mưa chiều Sài Gòn chênh chếch, bạc trắng giữa không gian, xanh mờ qua cây lá và vàng nhạt, long lanh quanh ánh đèn đường.

Mưa… !
Bên trời Tây, mưa rớt trên dù trơn và áo khoác, mưa và người ngỡ như gần mà xa nhau mất hút. Mưa bên Mỹ giọt trên trần xe, vỡ òa trên quạt nước - những cái quạt nước chỉ quen xua đi mà không bao giờ níu lại những nỗi nhớ mơ hồ trước mắt. Mưa Sài Gòn vội vàng đến hồn nhiên rơi trên tóc mướt, đậu trên mi cong, sà trên môi ấm. Mưa Hà Nội là mưa riêu riêu, có gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô con gái đẹp như những giọt mưa Ngâu của Vũ Bằng trong „Thương nhớ mười hai“. Mưa Huế thì triền miên, khi đến cũng âm thầm như lúc đi và khi đi cũng lặng lẽ như lúc về nên chẳng có ai nghe. Mưa như rây hạt trên thành phố, buồn đến tím lịm.

Đi xa…xa tới những phương trời mưa khác ; về lại, mới thấy vẻ diệu kỳ của dáng mưa Việt Nam.
Mưa Nam, mưa Bắc, mưa Trung đã gắn chặt với con người và phong thổ ; có nỗi vui buồn trong lòng và cảm giác mơn man se lạnh trên da thịt.
Tôi đã về lại và ra đi trong mưa, những cơn mưa dầm của Huế, để nghe hết cái „điệu buồn mưa nắng Nam Ai“. Điệu buồn của Huế, mùa hè, thường xuôi mái dòng sông và mùa Đông, hay treo lơ lững trên những tầng mây màu đục.

Theo thời gian, con người và kỷ niệm rất hồng buổi sớm và chợt tím buổi chiều của một thời đã ngả màu rêu phong vì những cơn mưa Huế. Tôi xa Huế biệt tăm dàng cá, rồi lửng thửng về lại trong những ngày cuối hè đầu thu lác đác mưa Ngâu. Những cơn mưa nho nhỏ đầu mùa của Huế làm tôi nhớ lại một câu bình luận về thời tiết của Huế „mộng mơ“ nhất từ xưa tới nay từ một nhà sư Trung Hoa nức tiếng uyên thâm, đó là hòa thượng Thích Đại Sán, hay còn có phương danh khác là Thạch Liêm Lão Hòa Thượng. Ông được mời đến Huế như một bậc danh sư đại thượng khách thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Trong Hải Ngoại Ký Sự, ông viết về thời tiết Huế : „Tứ thời giai thị hạ, nhất vũ tiệm thành đông“, nghĩa là : „Bốn mùa đều là mùa hạ, (chỉ cần) một cơn mưa là từ từ biến thành mùa đông“. Điều tôi cứ băn khoăn hoài không phải vì câu nhận xét chẳng trúng trật vào đâu về mặt địa lý học, khí tượng học, cũng như về thực tế.

Nhưng băn khoăn là vì non ba thế kỷ qua, lại có quá lắm người bê nguyên nhận xét đó làm căn bản cho kiến thức „Huế học“ của mình. Điều đáng „ớn lạnh“ là biết đâu lại không có một ông thầy ngoại quốc nổi tiếng khác ghé chơi, vui miệng, nói đại khái như „đông ngâm bạch tuyết thi“ chẳng hạn, không lẽ bà con mình lại vác mền chiếu ra bến Thương Bạc chờ tuyết rơi lả tả mà ngâm thơ Đỗ Phủ, quên mất thực tế có vầng trăng soi trên sông, đang chờ tiếng ngân nga của những câu Nam Ai, Nam Bình thất lạc ?(!).

Huế không có hiện tượng „nhất vũ“ nào cả mà chỉ có mùa xuân mưa bấc, mùa hạ mưa giông, mùa thu mưa ngâu, đầu đông mưa lũ, cuối đông mưa dầm. Huế lại càng không có „tứ thời giai thị hạ“ mà lại có bốn mùa rõ rệt : Xuân xanh, hạ trắng, đông xám, thu vàng.


Huế trong mưa

Đừng nghe nói về Huế, cứ sống một giờ với Huế. Ngôn ngữ tuyệt vời nhất dành cho Huế là im lặng và cảm nhận. Nhìn Huế qua ống kính máy thu hình, hiểu Huế qua chữ nghĩa sẽ chỉ thấy màu phôi pha và nghe tiếng thở dài của thành quách rêu phong.

Có lẽ đã một thời tôi dửng dưng đi trong mưa Huế như đã vô tình bơi lội trong những giòng sông quê hương ngỡ như khi xa rồi cũng chẳng còn chi lưu luyến, cho đến khi mất đi và tìm lại…


Mưa Huế !
Nếu vào những buổi chiều đầu mùa Thu nào đó ở Huế, có những đàn chim bay xao xác từ phía biển lên rừng trên bầu trời đã lãng đãng có mây hồng lam pha sắc tím, đó là khi trời Huế đang chuyển sang mùa mưa.

Sau những cơn mưa giông hiếm hoi vào cuối mùa Hạ „mưa tháng sáu, máu rồng“ là những cơn mưa đầu mùa Thu e dè và rón rén như gió heo mây. Mưa về chiều và thường khi rả rích qua đêm, có giọt ngắn giọt dài là cho người ta ví von với giọt nước mắt rấm rức, chia biệt của Ngưu Lang, Chức Nữ bên bờ sông Ngân.

Thường khi sau đêm Trung Thu là đêm có ánh trăng sáng vằng vặc với bầu trời cao và rõ nhất trong năm, Huế chuyển mình giao mùa và mưa giông bắt đầu về với Huế.



Huế có hai nguồn nước lũ chính là nguồn Dinh và nguồn Bồ. Nguồn Dinh từ thượng nguồn sông Hương trên dãy Trường Sơn chảy dài ra tới biển và nguồn Bồ cũng xuất phát từ dãy Trường Sơn trùng điệp. Chảy theo sông Bồ thuộc quận Hương Trà, rồi cuối nguồn cũng giáp với sông Hương trôi ra biển. Những năm lụt nguồn Dinh, dáng hiền từ của sông Hương biến mất trong lớp cuồng lưu của giòng thác lũ phù sa cuồn cuộn, bứt phá, lạnh lùng cuốn phăng tất cả những chướng ngại trên đường băng băng trôi ra biển. Những đêm trời lụt khi gió mưa vừa tạnh, tiếng cuồng lưu đổ ra đại dương từ cửa Thuận An vọng về theo điệu trầm hùng nghe âm vang như lòng đất trở mình.


Có những vạt nắng riêng trong trời nắng thì cũng có những cơn mưa riêng trong trời mưa. Ai đã từng đi dưới trời mưa dầm của Huế vào lúc chiều tối hay về đêm mới cảm nhận được cái ớn lạnh của những cơn mưa lạ : „Mưa lá“ hay „mưa rùng mình“ nơi đây. Trời Đông lạnh căm căm, đang đi dưới những tàng cây xanh sũng nước mưa, bỗng nghe tiếng gió ào qua biển lá, rồi cả một khối mưa nặng hạt rơi ụp xuống trên đầu. Vô số mảnh nước động trên lá sẵn chờ gió lay, ồ ạt rơi xuống phủ lấy mặt đường trong thoáng gió đi qua. Tiếng lá ướt xào xạc kéo dài trong gió, nghe như tiếng thở dài kỳ bí của hồn mưa

Trong nếp sống trầm trầm, êm ả quanh năm. Mưa nguồn và nước lũ đầu mùa thường mang lại cho Huế một cảm giác mạnh, bứt phá và chia sẻ. Trong nỗi lo „mưa sa, nước sỉa“ con người phường trên, xóm dưới dễ tìm thấy tình người gần lại và một cảm giác thuộc về, trong mối tương cảm đồng thuyền đồng hội.

Nước lụt tràn về giúp san phẳng hay che kín một phần những lằn ranh giai cấp. Những dị đồng bon chen rải rác trên đường và chập chờn đầu ngõ sẽ nằm sâu trong nước bạc. Nhìn biển nước dâng lên không phân chia ranh giới, người ta sẽ cảm thấy cần nhau hơn nên nhìn nhau mĩm cười dễ dãi.

Với tuổi trẻ , rủ nhau đi lội nước lụt là một thú vui không hẹn trước. Con đường đi xe đạp hôm nào, giờ chìm trong hồ nước mênh mông sau những trận mưa ào ạt. Tiếng chân bì bõm lội nước, tiếng cười vang rộn rã của từng nhóm mang vẻ dập dìu, làm dáng một cách hồn nhiên. Có một lần đi lửng thửng với cô em chợ Xép trên bờ biển Atlantic ở New Jersey, nhìn những nhóm tuồi trẻ đua nhau giỡn sóng ven bờ, tôi bỗng thấy có một vẻ gì giông giống với tuổi trẻ mình ngày xưa trong những ngày đi lội nước lụt. Dưới nắng chói chang mà biển Đại Tây Dương sóng lớn quá và nước lạnh như băng giống nước lụt của Huế, ít người tắm nổi. Ngày đó, mặc cho trời cứ hành cơn lụt, tuổi trẻ cũng cứ vui, cứ cười, cứ muốn khoe cái dáng vóc mượt mà nghìn năm tôn nữ…


Những cơn chớp bể, mưa nguồn của Huế thường nhẹ dần cho đến cuối tháng Mười, khi mà „Bà Trời Huế“, có lẽ lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong năm, lấn quyền đức lang quân để ra uy :

Ông tha mà Bà chẳng tha,
Bà làm cái lụt hăm ba tháng mười.


Cái uy của người đàn bà Huế là thế đó : Giơ cao đánh sẻ. Vì vậy, cơn lụt hăm ba tháng mười thường là cơn lụt nhẹ nhất trong năm. Tuy cũng có mưa nguồn và nước lũ, nhưng không có cuồng lưu, mà chỉ có những cơn mưa trên đồng vắng và những giòng nước bạc uốn éo dưới chân cầu.
Sau mùa Thu mưa Ngâu và mưa lụt, Huế đi vào mùa Đông. Đây mới thực sự là thời gian mưa Huế.

Mưa Huế
Mưa Huế là sự đối xử khắc nghiệt, vừa là sự cầm chân vỗ về của bà Mẹ Thiên Nhiên dành cho Huế. Vì vậy, đối với người Huế cũng như khách Huế, cái mưa rây hạt triền miên, man man vô tuyệt kỳ, bất tri hà xứ tận của Huế là một cái gì vừa đáng yêu, vừa đáng ghét một cách rất… Huế. Nó vừa là sức hãm, vừa là sức bật của đời sống tinh thần. Mưa không nhỏ, mưa không to mà rây rây muôn ngàn sợi như từ tay của bà tiên hiền dịu mà lạng lùng, siêng năng một cách dai dẳng đang giữ kho nước vô tận trên trời, không ăn không ngủ đang liên tục vẫy nước xuống trần gian. Những cơn mưa có thể vài ba ngày hay kéo dài hàng tuần, có khi non cả tháng. Mưa mọc rêu trên thành, mưa dầm dè úng đất, mưa se da se thịt, mưa héo úa tâm hồn. Bầu trời trắng đục sà xuống thấp ngang tầm ngọn cau. Núi đồi, sông biển, ruộng đồng, nhà cửa, vườn tược, đường sá… đều lướt thướt trong mưa. Cùng về với mưa là cái lạnh mùa Đông, đó là cái lạnh tê buốt của mưa dầm gió bấc. Không khí như đóng băng, chim không dám rời tổ, lá sợ lìa cành, người tìm nhau sưởi ấm.

Cũng lạ lùng như những con chim trốn tuyết vùng Bắc Cực xây “tình yêu và tổ ấm” bằng tuyết ngay trên những biển tuyết bao la, Huế đã tự hiển hiện vẻ “nên thơ” riêng từ trong cảnh trầm lắng dưới những cơn mưa dầm ngút mắt không hạn kỳ đó.


Huế trong mưa đã thu mình lại, biến thành một thế giới nhỏ. Thế giới mà chỉ có cái tình mới đủ sự nồng nàn sưởi ấm cho nhau. Bên ngoài, đường sá vắng hoe. Trong căn nhà im lìm trốn lạnh giữa khu rừng lá long lanh nước mưa, là mái ấm gia đình với những người muốn co người lại với nhau thật nhỏ. từ trong cái vỏ mùa Đông, con người tha hồ để cho ước mơ bay xa vào những khung trời lồng lộng nắng ấm. Tâm hồn người Huế đã thành "tha phương" từ trong những cơn mưa.

Mưa là một kho tàng kỷ niệm êm đềm của ngày mới lớn.

Dám “đội mưa mà đi” ! Dù chỉ để gặp và nói bâng quơ, nhưng đôi môi tím lạnh, đôi má sủng nước mưa, đôi mi ướt đầm bụi nước và nét cười đầy nắng trong mưa đã nói nhiều hơn một lời tỏ tình và ẩn chưa sâu hơn một lời hò hẹn. Cái đợi tình tự thâm trầm nhất của Huế có nghĩa là đợi trong mưa dầm ; và cái hẹn da diết nhất của Huế là đợi chờ trong tiết lạnh cắt da gió bấc. Bởi vậy, tình yêu và đam mê của Huế rất “chật chỗ” cho nguồn tình cảm lửa rơm dễ cháy và dễ tắt mùa hè.

Mưa cũng là thử thách tình cảm cho những bước truân chuyên.
Trong cảnh cô đơn hay giữa những tháng ngày trông tin biền biệt của người thân, những cơn mưa bất tận của Huế dễ làm héo úa lòng người. Rất lạ là trong cùng tận nỗi buồn theo mưa, nỗi ước mơ thường lớn hơn niềm tuyệt vọng.

Mưa đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành nếp sống tình cảm, phong thái sinh hoạt, cảm quan nghệ thuật và nét văn hoá đặc thù của Huế. Mưa như một viên trọng tài khắc nghiệt cố treo chân những cầu thủ linh hoạt, bao sân. Mưa Huế đã bó chân những tâm hồn Huế bão nổi trong thế giới hạn hẹp của gia đình, bằng hữu. Mưa đã làm chậm lại hay làm lắng đọng những giai điệu dập dồn của nguồn tình cảm sôi nổi. Mưa ngăn những phát triển bề rộng nên tình cảm tự nhiên của Huế có khuyng hướng lắng vào bề sâu : Thầm trầm, lặng lẽ và kín đáo. Bởi vậy, khách phương xa đến Huế thường đi từ cảm giác ngán ngẩm “Trời mưa ở Huế sao buồn thế” và dần dần yêu cái “nên thơ” của mưa Huế lúc nào không hay. Từ Nguyễn Du đến Nguyễn Bính, Văn Cao, Hải Bằng, Huy Cận… đều buồn ; bồn man mác hay buồn đến lịm người trong cơn mưa Huế, nhưng đều muốn cầm vài sợi mưa Huế lúc ra đi :

Khi ra đi có cái gì luyến tiếc
Không được cầm mưa như hành lý để chia tay.

(Hải Bằng - Mưa Huế)


Nguyễn Mộng Giác, từ bên kia phía đèo Hải Vân đến Huế, “chí lớn không đầy mắt mỹ nhân” nên đã bị tóc mai của giai nhân cột chân lại trong cái mưa dầm của Huế : “Mưa tê tái, mưa lạnh lùng. Nhưng ngay trong cái tê tái nhợt nhạt ấy, Huế vẫn cứ thơ”Tình yêu của Huế thật sự không cần cầu viện đến nắng vàng, trời trong, mây xanh. Ủ dột u ám cũng có nét đẹp của nó… (Nhớ Huế, 1995)

Mỗi người Huế có một mùa mưa riêng trong trí nhớ đã thành kỷ niệm, được xếp kỷ trong đáy va-li lúc ra đi. Tôi không nhớ rõ một tác giả nào đó đã viết rằng, quê hương có nhiều giòng sông, nhưng chỉ có một giòng sông để thương nhớ ; và mỗi người có thể có nhiều mối tình, nhưng chỉ có một mối tình để mang theo. Có lẽ vì thế mà có những cơn mưa khó tạnh trong lòng.

Nếu có chăng mưa Huế đã tạo ra đối cực trong mỗi tâm hồn Huế thì sự mâu thuẫn đó là hai mặt “nóng lạnh” cần thiết tiềm ẩn trong mỗi con người. Cho nên, lãng mạn và cách mạng không phải là hai mặt mâu thuẩn, mà trái lại, là một sự kết hợp hài hòa trong phong cách của Huế.
Với Huế, dám lãng mạn đã là cách mạng rồi đó. Và, dám làm cách mạng là phải cực kỳ lãng mạn mới đủ ngọn sóng trào mà bứt phá những ràng buộc xưa như cổ thành, xây bằng hàng hàng lớp lớp những viên gạch vồ của đất lề quê thói. Nếu cách mạng mà không lãng mạn thì không còn là Huế nữa.

“Huế thơ”, có lẽ một phần cũng nhờ những người tiền phong khai phá Huế đã tìm được một sự quân bình giữa hai đối cực. Xa… rất xa, Huế có Tây là Trường Sơn và Đông là Nam Hải. giữa lưng chừng có sông Hương lưu thủy và núi Ngự bình phong. Và, rất gần, có tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Bên cạnh “mưa úng đất” có “hạn bà chằn”. Sự quân bình phong thổ đó đã xây dựng nên phong cách riêng của Huế.

Bởi vậy, Huế cần có Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương nức tiếng tài hoa vương giả nhưng cũng cần có Đoàn Trưng, Đoàn Trưng dám nổi loạn chống lại triều đình. Huế cần Mặc Vân Thi Xã ngâm phong vịnh nguyệt lúc thanh bình ; nhưng cũng cần Thất Thủ Kinh Đô trong cơn binh lửa. Cũng như Huế cần có nem, tré, chả lụa “ăn chơi”, bên cạnh bánh khô, bánh nổ, bánh tét bánh tày, bánh đúc “ăn thiệt”. Huế có hò Nện, hò Hô, Hò Giã gạo mạnh bạo đổ mồ hôi bên cạnh những khúc ca Nam Ai, Nam Bình sầu thương đòi đoạn. Bên chiến nón bài thơ thanh tú và tà áo trắng thướt tha của cô nữ sinh Đồng Khánh ; thì cũng cần cái nón lá phong sương và vạt áo dài nâu lam lũ của mấy o bán gánh dạo chè khuya, cơm hến, bún bò… mới đủ những màu sắc và mùi vị cho hồn thơ của Huế. Chỉ nhìn thoáng qua, sẽ rất dễ thấy dáng thơ nhưng khó thấy cái hồn của Huế. Cũng thế, thoáng nhìn mưa Huế chỉ thấy nét trầm phai và ủ rủ ; nhưng đã thực sống với Huế qua những mùa Đông, sẽ thấy từ trong bụi trắng thinh không của mưa Huế có những nụ hồng và hơi ấm của tình yêu, không phải chỉ là tình yêu lứa đôi mà nhiều thứ tình nồng nàn góp lại.

Nếu mưa Huế cứ rơi rơi trên vùng trời Huế thì mưa nghìn ơi cũng chỉ là mưa thôi. Nhưng mưa Huế đã rơi vào lòng những người qua Huế thành những khung trời nhỏ, nên mưa hoài không tạnh và những cơn mưa trong hồn cứ rây rây nhỏ hột lan ra xa khắp muôn phương. Người Huế hay bạn Huế tha hương vẫn quen nhìn mưa trên đất khách qua cơn mưa của phương trời cũ cứ rả rích rây hột trong lòng. Rồi chợt bất ngờ loanh quanh lẩn quẩn trên cái quả đất bồng bềnh nầy, vẫn còn có một nơi mưa dầm một cách rất… Huế, đó là thành phố Portland thuộc tiểu bang Oregon ở vùng cực Tây nước Mỹ. Nếu một buổi chiều mưa tạnh, trời trong nào đó mà lên lên đỉnh núi Ngự Bình, ngó về hướng Đông Bắc sẽ “thấy” thành phố Portland chị em với Huế nằm trong mưa, tận bên kia bờ Thái Bình Dương. Mùa Xuân con Cọp năm nay, tôi ở lại Portland bốn ngày mà trời chỉ có tạnh mưa chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Tôi toan mở lời than van một tí thì đã có “dân làng” xứ này an ủi rằng, gần cả tháng nay trời mới hanh nắng có đôi ngày. Xóm Huế nơi thành phố Portland này chừng vài chục nhà. Có dịp ngồi lại với nhau các “Huế kiều” có thể không đồng ý với nhau về nét đẹp trang đài của cầu Trường Tiền và dáng đường bệ trang trọng của cầu treo Kim Môn (Golden Gate Bridge), nhưng ai cũng nhận rằng mưa nơi đây sao mà giống mưa Huế lạ lùng. Mưa giống Huế mà vẫn thấy một cái gì đó “không Huế” trong mưa. Một o Huế “chay” đưa ra giả thuyết :

- Chắc vì tiếng mưa rơi cũng bằng tiếng Mỹ chứ không tí tách như tiếng mưa Việt Nam nên mình phải “dịch” tiếng mưa rơi ra tiếng mình mới thiệt là giống…!

Một “ôn” niên trưởng xóm Huế, có đôi mắt buồn rưng rưng như râu bạc, góp lời :
- Người mình chi cũng phải đi theo bộ mới có ý nghĩa. Như vật chầu thì có tứ linh long, ly, quy, phụng ; hoa cũng phải theo bộ như mai, lan, cúc, trúc ; nghề cũng cần theo bộ như ngư, tiều, canh, mục… thì mưa chắc cũng phải theo “bộ” đại khái như vũ, lôi, phong, thuỷ hay vũ, hàn, cô, tịch. Mưa Huế phải đi theo cùng tuyết lạnh, với sự lẻ loi trong cảnh im vắng mới thật là thấm thía.

Nghe là lạ, mấy người xin “ôn” giải thích lại. Ông cụ cười xòa, xua tay :
- Nhìn mưa mà nhớ quê nhà nên tôi mới “kiến” chuyện nói bậy cho vui thôi mà, có trúng trật vào đâu mà phải nói đi nói lại.

Mưa đã tạnh. Trời sắp sáng. Huế đang tỉnh dần với tiếng chuông sớm, vọng âm xa lắc không biết của chùa nào trong những ngôi chùa cổ đang còn lưu dấu. Sau cơn mưa, trời sớm mai mát lạnh. Tôi vẫn thức với tiếng khuông và hớp một chút chén nước chè xanh còn sót lại trong đêm. Tôi đã say sưa nói chuyện một mình sau nửa đêm gần sáng về những giọt mưa, những cơn mưa, những mùa mưa, và những đời mưa… đã rới xuống, đã khô queo không lưu vết tích hay còn làm ướt đẫm đời mình. Một cảm giác ngây ngây say nước chè xanh có miếng gừng đâm nhỏ làm tôi có cảm tưởng như con tàu già say sóng nhỏ trên sông. Tôi cảm thấy một chút vật vờ trong hơi mưa đã tạnh và nỗi nhớ mơ hồ về những vùng quê hương khói sương lau lách. Ngồi nhìn nắng quê hương sau một đêm mưa, nắng lọc vàng trong như hổ phách và lòng tôi cũng thiu thiu trong bình lặng. Tôi được ru trong nỗi nhớ Huế, trong niềm ấp ủ của Sài gòn, trong ước mơ về Hà nội - những vùng quê hương thân yêu mà khi về lại cứ ngỡ là ra đi, và khi đi mới thực là trở về. Quê hương đó, đã xa bao nhiêu năm ròng mà cứ tưởng chừng như trận mưa chiều mới tạnh đêm qua.

Trần Kiêm Đoàn
Mưa Trên Phố Huế" với tiếng hát ca sĩ HOÀNG OANH
 
 
 
 
Tháng sáu mưa nhiều, những cơn mưa mùa hạ chợt đến và chợt đi nhưng đủ làm người ta bật lên một nỗi buồn, một nỗi nhớ… Những cơn mưa tháng sáu dữ dội, ồn ào như muốn gột sạch đi cái nóng oi ả, như muốn cuốn phăng đi tất cả bụi bặm giữa ngày hè chói chang. Những ồn ào phố xá, những bộn bề cuộc sống trở nên lắng lại, dịu dàng và bình yên. Những con phố sạch hơn, những hàng cây xanh hơn và nhịp sống thì như chậm lại; cái nhìn hình như cũng khác - khúc xạ qua lăng kính của mưa.

Mưa là thế đến và đi rất bất ngờ làm cho chúng ta luôn có những cảm xúc khó tả khác nhau.Mưa mang theo không khí mát dịu, trong trẻo của những cơn mưa xóa tan đi cái nắng hè đổ lửa. Những cơn mưa biết hòa mình giữa mùa hạ…

Mưa thật sự nếu chú ý, mưa có nhiều cách, hay nói ví von là có nhiều tâm trạng lúc nhẹ nhàng với những cơn mưa phùn, lúc nhất thời với những cơn mưa nắng, lúc giận dữ với những cơn mưa bão...Mưa mang đến nhiều cảm xúc !
 

thơ NGUYÊN SA
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng…

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay nhau bằng ngón tay bấn loạn

Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận

Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm.

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu.



Tháng sáu trời mưa (Hoàng Thanh Tâm)
 
Duy Quang hát
 

 
Giữa dòng đời đang cuồn cuộn chảy, chợt dừng bước, chợt ngẩn ngơ... thoắt cái đã trở về tháng sáu, tháng của mưa rơi trên quê hương. Cơn mưa tháng sáu hồn nhiên, đến rồi đi, chập chờn như cánh chuồn giữa hạ.
Mưa kéo người ta về với những nỗi nhớ, những kỷ niệm, chơi vơi cùng nỗi buồn mơ hồ, không lối thoát. Cái buồn trầm mặc vô cớ xen lẫn với cái lạnh im tiếng đâu đó từ bên trong cứ lặng lẽ tuôn trào da diết như bản tình khúc .


Không ai trong chúng ta mà lại không yêu thơ của nhà thơ lớn Nguyên Sa. Thơ của Ông được xem là có rất nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Trong số những nhạc sĩ có duyên và phổ nhiều thơ Nguyên Sa nhất, phải nhắc đến người nhạc sĩ tài hoa Ngô Thụy Miên.

Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em
Trời mênh mang xõa kín bờ mi ngoan
Gót bước buồn lây trong gió chiều mưa bay
Hồn bâng khuâng nghe tiếng gọi đam mê

Anh muốn cùng mây giăng kín đường về
Gọi tên em, gọi tên em cho nát bờ môi ấy
Hãy nói bằng đôi môi, bằng tiếng rượu nồng
Mình yêu nhau, mình yêu nhau
Dù trời mưa bay, mưa bay...

Tháng sáu nhạt mưa, anh muốn cùng mưa bay
Cùng mây trôi tan biến vào môi em
Khép kín lòng môi anh ước tình yêu tới
Và mưa bay tháng sáu đẹp không em?

Anh muốn gần em, yêu mãi nụ cười
Dựa vai nhau, dựa vai nhau
Như những ngày xưa ấy
Hãy nói mình yêu nhau bằng tiếng loài người
Trời thôi mưa, trời thôi mưa
Mình đừng xa nhau, xa nhau

Tháng sáu trời mưa, mưa ướt nồng môi em
Mình yêu nhau, xin biết mình yêu nhau
Nước mắt thật cay, cay với tình yêu tới
Và mưa bay, tháng sáu buồn không em
 
 
Diễm Liên hát
 
Mưa Huế dai dẳng trùm lên cả mùa thu và mùa đông của xứ sở kinh kỳ vang bóng một thời này. Người dân Huế tự xưa âu yếm gọi hạt mưa xứ mình là “Hạt mưa tình”. Cũng như cô gái Huế, mỗi mùa đi qua, mưa Huế gọi về những giọt nhớ, giọt thương, nhẹ nhàng và sâu lắng, trầm tư tựa như nét duyên thầm, nghe như tiếng dạ thưa ngọt lịm… Người Huế yêu vô cùng đất trời, thành quách. Người Huế cũng nhớ vô cùng hạt lệ trời ban…

Hạt mưa Huế vừa nặng, vừa sâu, trong khi đó cơn mưa Nam Bộ rộ lên rồi tắt làm người ta chưa kịp nhận ra độ nặng nhẹ của giọt mưa. Mưa xứ Bắc thì phơi phới bay, thiếu đi độ nặng, độ dày. Huế vào mùa mưa, đất trời tắm mình trong muôn ngàn hạt mưa. Mưa Huế - tặng phẩm tạo hóa ban cho để muôn đời cố đô nâng niu, mà thương mà nhớ…

Con người - thiên nhiên hài hòa, quyến rũ. Ai đó nói rằng thiên nhiên là một phần của tâm hồn con người, là nơi trú ngụ của những trái tim đa cảm và thanh cao. Vậy thì mưa Huế là một phần của tâm hồn Huế vậy! Nghe trong mưa tiếng nói của nỗi niềm. Ôi da diết mà sâu lắng lạ thường.

Đâu chỉ có lửng lơ tiếng chuông chiều Thiên Mụ, đâu chỉ có thành quách cổ kính rêu phong, mưa Huế còn níu giữ bước chân ai một sớm một chiều… để cuộc tình đã xa xăm bỗng chốc hiển hiện trong ai mỗi khi cơn mưa chợt về trên vùng xa ngái chân quê này.

Xưa kia bởi “nỗi niềm chi rứa” nên thành Huế mới phủ trắng một màu mưa để cho đất trời đượm buồn man mác. Thấp thoáng bên hiên nhà, dưới tàn Ngọc Lan thơm lừng, con người xứ Huế vốn đã ít lời nay lại càng lặng lẽ hơn. Gởi vào trong mưa những chuỗi ngày thơ dại để giấu trong nốt nhạc rỉ rắc cho bao kỷ niệm mến yêu mãi đong đầy.

Mưa Huế sao nghe da diết quá! Những hạt mưa như cởi mọi u buồn, gắn kết những người con xứ Huế, níu kéo tâm hồn những người đi xa trở về với Huế, có khi chỉ trở về trong miền ký ức, trong cơn mơ... Có sống với Huế, với mùa mưa Huế mới thấm thía để khi đi xa lại thèm chút mưa trên đất mẹ.

Gọi về trên từng góc phố, hàng cây, mưa làm cho những đền đài, thành quách cố đô vốn đã bàng bạc màu thời gian nay lại phủ thêm một màu rêu phong cổ kính. Dường như mưa đang gọi quá khứ về cho những thành quách xưa… để ngàn năm còn nâng niu, gìn giữ…

Trầm lắng để lắng sâu, cất giữ mãi cõi lòng, để nghe bâng khuâng, xao xuyến, nghe dìu dịu, rưng rưng cho mỗi giọt nhớ, giọt thương…

Mưa vẫn mưa bay, Huế vẫn Huế, mối tình đầu muôn thuở vẫn là mối tình lãng mạn, bay bỗng nhất, sâu lắng nhất và ướt đẫm nhất, ướt như những cơn mưa Huế ngày nào…


Diễm Xưa" với tiếng hát KHÁNH LY


Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
 
 
Đêm Mưa Thao Thức Nhớ Quê Nhà

Hơn hai mươi năm miệt mài cuốn hút vào cuộc sống đầy nhiễu nhương nơi đất khách. Đôi khi tôi có cảm tưởng, tình cảm đã đến lúc rã rời mòn mỏi đóng băng. Cảm giác xúc động không còn bén nhạy, đang dần biến dạng cằn khô như sa mạc. Những viên sỏi đang nằm yên dưới đáy hồ tiềm thức. Bỗng chợt cơn mưa kéo về rơi triền miên trên mái ngói. Nhiều đêm thức giấc, châm trà uống một mình giữa đêm khuya, để cho nhớ nhung bắt đầu dằn vặt:
Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh, nỗi hàn bao la...
Tai ương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nói lời vu vơ..
Tương tư hướng lạc, phương mờ
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...

(Buồn Đêm Mưa - Huy Cận)


Lời thơ đã lâu lắm rồi, nhưng vẫn còn âm vang trong lòng tôi. Cái hơi may hiu hắt ở nội thành Huế vào những buổi chiều cuối thu. Cái hơi may ở trong cái thành phố Hội An cổ kính khi gió thu về thổi những cơn mưa nghiêng như tấm lưới chắn ngang trời mờ ảo. Lời thơ như có ma lực ghê gớm kéo lòng tôi chùng xuống với bao nỗi nhớ nhung. Âm vang của những buổi chiều "Em đến thăm Anh... Có hay lúc em về, gót chân bước reo âm thầm, trên đường ngoài mưa, (mưa như mưa trong lòng anh). Lòng bồi hồi nhìn theo chân em chìm trong ngàn xanh. Ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về... " (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ), nhưng phải là tiếng hát ngọt ngào của Anh Ngọc mới thêm lượng thu hút ngất ngây. Chính nội dung của sự hồi tưởng là thời khắc một thời đầy ắp những vọng động mơ màng, của lắng sâu kỷ niệm. Có những nhà nghệ sĩ tài hoa sáng tác cả ngàn bài thơ, cả trăm bản nhạc, nhưng chỉ còn lại trong lòng người nghe và yêu thích dăm câu để đời. Như trường hợp của thi tài Tự Đức với hai câu thật tuyệt, vượt thời gian:
...Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi...


Hay Thôi Hộ với hai câu cuối của bài thơ Hoàng Hạc Lâu:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng thử nhân sầu...

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

(Tản Đà dịch)


Hoặc của Thiền Sư Mãn Giác:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai...

(Có Bệnh. Dặn Dò Tăng Chúng)


Và không ai yêu thơ, có thể quên tài danh thi sĩ Hồ Dzếnh với những ý tưởng ngộ nghĩnh mâu thuẫn nội tâm nhưng hiện thực tâm lý sâu sắc phân tích ý nghĩa trung thực của tình yêu thơ mộng:
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong... Thuyền trôi chớ đỗ...
Cho nghìn sau... lơ lững với nghìn xưa...


Những câu thơ đầy ấn tượng một thời vẫn còn là những âm hưởng tuyệt vời ẩn sâu trong tiềm thức chúng ta. Chỉ chờ một chút nắng vàng hiu hắt bên kia sườn núi. Chỉ chờ một cơn gió thoảng lay động vài cánh hoa đào rơi. Chỉ chờ những giọt mưa rả rích từng cơn trên mái ngói giữa đêm khuya quạnh vắng là y như cơn bão nhớ nhung thổi về vực lên tất cả những núi đồi chập chùng ký ức... Cơn địa chấn mỗi lúc mỗi dâng cao những rung cảm dạt dào. Có phải đó là tất cả những âm thanh của những vùng trời yêu dấu trên quê hương ngày xưa.



Bởi vì nó đã gắn bó với máu huyết, cho dù hiện hữu đã nghìn dặm xa. Kỷ niệm phải chăng là thời gian thăm thẳm, không gian mịt mờ phôi pha. Có mà không.Không mà có trong từng sát na trùng trùng duyên khởi. "Đêm Đông" của Nguyễn Văn Thương phải là tiếng hát Bạch Yến. "Đêm Tàn Bến Ngự" phải là tiếng hát của Hà Thanh. "Như Cánh Vạc Bay" phải là tiếng hát của Khánh Ly. "Tình Ca" của Phạm Duy phải là tiếng hát Thái Thanh... và "Đường Xưa Lối Cũ" của Hoàng Thi Thơ phải là tiếng hát Như Quỳnh. Mỗi giọng ca của mỗi ca sĩ hầu như đã gắn liền ở mỗi bài hát đôi khi người nghe chỉ còn nhớ đến ca sĩ mà không còn nhớ đến tên người nhạc sĩ đã hình thành nên ca khúc giá trị đó.
Cơn mưa vẫn chưa dứt. Tôi nhớ về chuyến thăm lén lút với Mẹ tôi ở dưới mái hiên Chùa Long Tuyền, mưa phủ đầy trời. Tôi cầm lấy đôi tay gầy guộc của Mẹ tôi, cố giữ đừng khóc, nhưng nước mắt đã trào ra... tôi thương Mẹ tôi quá... lần gặp gỡ cuối cùng xem như vĩnh biệt, vì chỉ còn hai ngày nữa tôi phải vượt biển xa rời nơi chốn thân thương... Tôi phải ra đi cho dù không biết sống chết ra sao nơi trùng dương đầy gian nguy hãi hùng đó...Hơn hai mươi năm rồi. Cha Mẹ tôi đã lần lượt nằm xuống nơi quê nghèo thảm đạm.

Bao nhiêu mùa mưa bão đã đến và đã gợi sầu trong lòng tôi nơi viễn xứ. Nếu bảo những cơn mưa là những lần tắm gội cho đất đai bớt đi những ô uế bẩn dơ cuốn trôi ra biển. Để cho không khí trong lành, nụ mầm vươn lên trên những điệp trùng ngàn cây khô sau mùa đông lạnh giá. Tôi cứ tưởng sau những cơn mưa, tâm hồn con người cũng được rửa sạch hơn để tiếp thu những thiện nghiệp nẩy mầm, nhưng rồi đời sống vẫn tiếp diễn, hận thù vẫn dai dẳng không còn chỗ cho những đám mây trắng bàng bạc, cho lòng yêu nhau nao nức những kỷ niệm êm đềm của một thuở nào thanh bình nơi cố hương yêu dấu... những cơn mưa cần thiết cho những người lữ hành trong sa mạc khô cằn thiếu vắng tình thương. Tiếng mưa rơi từ nghìn xưa và bây giờ vẫn thế. Vực lên từ tiềm thức những nhớ nhung kỳ diệu:
. cơn mưa nhớ nhà

Cơn mưa chợt thức hồn ta dậy
đôi nhánh tay gầy phố lạnh xưa
con nước mùa đông sầu thảm đó
phủ kín đời em trong tiếng mưa.

Cơn mưa có phải là hơi thở
thổi mấy tầng mây gió cuốn theo
cho ta thấy lại dòng sông trắng
thấy lại đời trôi giạt mấy bờ.

Có phải chiều nay ray rứt nhớ
gió thổi vừng trăng trong mắt em
cơn lụt như chiều ta tiễn biệt
chỉ một lần thôi, đá lệ mềm.

Lâu quá thơ ta như ruộng khô
cơn mưa chợt thức hồn ta dậy
những hạt mầm xanh bỗng nở hoa
trong tim ẩn mật bao ngày tháng.

Phố cũ trời ơi! đôi mái nhớ
rêu phong quạnh vắng bước chân về
tiếng chuông thầm lặng, sầu nghiêng xuống
cành lá đìu hiu với xương khô.

Sông nước theo mùa sông lũ lụt
quê nghèo xơ xác tiếng đau thương
trăm năm cánh én bay đi mất
bỏ lại tình em như khói sương.

Ta về theo với cơn mưa lũ
con đường nở trắng hoa ngâu thương
có phải mẹ nhìn ta thuở bé
có phải em nhìn ta vấn vương.

Tiếng mưa xé nát hồn viễn khách
em hát giùm ta khúc nhạc sầu
cho ta khua hết trong tiềm thức
hàng vạn chiều mưa phủ đớn đau.

Mưa ở quê nhà mưa núi thẳm
mưa rừng sâu nghiệt ngã tai ương
mưa hải đảo kiếp đời lưu lạc
mưa nhạt nhòa biệt tích cố hương!

đêm chìm khuất lời kinh cầu nguyện
thắp cho nhau chút nắng đầu non
mưa lấp lánh hoa vàng luống cải
xuân lại về một dạ sắt son...


THÁI TÚ HẠP
(Mùa Mưa Trên Thành Phố Rosemead)
 
Nhắc đến tình yêu, là nhắc đến những định nghĩa đẹp đẽ và sâu sắc. Tôi nghe và cảm rất nhiều ca khúc về tình yêu mang âm điệu buồn và khơi gợi những tâm trạng đau đớn, mỏi mệt. Nhưng "Niệm khúc cuối" đem lại cho nhiều người, và cả tôi trong đó,cái cảm giác trái tim đã thắt đau mà tâm hồn vẫn nhẹ bẫng. Và nếu một lần nghe "Niệm khúc cuối" sẽ là một lần để cho tâm hồn ấy được tự do, một lần tự giải thoát nỗi lòng và để nhớ một thời đã yêu...

Người ta dễ phải lòng nhau bằng ánh mắt gần gũi, một nụ cười dễ mến, và có thể bằng tiếng sét ái tình. Rồi gắn bó, trọn vẹn một lời thề thì phải dành nhiều thời gian nhiều lần, để khoảnh khắc ấy là mãi mãi. Một khi đã hiểu từng nhịp tin yêu, đã biết rằng dù bất kì điều gì có thể lay động, thì tình yêu sẽ vẫn cận kề, người ta sẵn sàng để bảo vệ tình cảm ấy. Như trong một khoảnh khắc, người ta có thể thốt lên rằng ...
Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em


Cuộc đời là một ca khúc bí ẩn, và người ta biết rằng muốn nó hay và ý nghĩa thì chắc phải tìm cảm hứng nơi tình yêu. Thế nên vượt qua thách thức cuộc đời, tình cảm vẫn trọn vẹn dành cho một người dường như là điều kiên định nhất.. Chẳng thế mà, dù mang nặng nỗi lòng hờn tủi, lời nói yêu thương vẫn muốn trao đi thật nhẹ, thật khẽ. Lời đầu cho ca khúc mở ra như thế, và cho dù có thế, "..vẫn yêu em"!

Khi yêu người ta thường hay mơ mộng lãng mạn, rồi ngay cả lúc tình yêu không trọn vẹn, vẫn ước ao về nhau. Như trong lời ca khúc, "giấc mộng" phải chăng chỉ đơn giản là yêu và được yêu lâu dài. Nhưng chính khi điều tưởng đơn giản đối với những người yêu nhau mặn nồng ấy không thể thành hiện thực, một lần nữa vết thương lòng càng như bị cắt sâu thêm.
Yêu dù khó khăn và trắc trở đến đâu nhưng chỉ một phút giây bên nhau cũng thấy êm ấm và bình yên. Và ai cũng biết rằng, hạnh phúc nhất cho cả cuộc hành trình dài một đời người là tìm được nửa yêu thương của mình, với cái kết có hậu là trọn vẹn bên nhau. Nhưng chữ ngờ ở đời đâu ai có thể dự đoán được. Cũng trong hoàn cảnh trái ngang như thế, mà trong một ca khúc khác, "Bản tình cuối", Ngô Thụy Miên đã chiêm nghiệm rằng:
Ngày nào người cho ta biết tình yêu đắm say
Ngày nào đời cho ta biết tình là đắng cay

Dịu dàng và đắm say, những phím nhạc của "Niệm Khúc Cuối" dẫn dắt người nghe quên đi cảm giác về nỗi buồn u uẩn mà lướt nhẹ trên những dòng cảm xúc ấy và gây xúc động bằng chính âm hưởng dịu êm, tha thiết. "Niệm khúc cuối" được viết vào đầu thập niên 70 cùng với một loạt các ca khúc cùng thời của tác giả Ngô Thụy Miên như "Dấu tình sầu", "Bản tình cuối",.. nên mang ít nhiều phong cách lãng mạn và hướng về những câu chuyện tình buồn ướt át. Riêng ca khúc "Niệm Khúc Cuối" đã được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hải ngoại (Dalena, Khánh Ly, Elvis Phương, Ái Vân ..), đọng lại trong các bản thu âm là chất nhạc ấm áp, giai điệu lắng đọng du dương thể hiện cảm xúc về một thứ tình cảm lãng mạn nhất: tình yêu!

Ở những lời cuối của bài hát, tâm sự về một tình yêu quá nhiều mong ước được thổ lộ một cách chân thành.
Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
Dù cho em, em đan tâm xé, xé nát tim tôi
Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời
Cũng đã muộn rồi
Tình ơi! dù sao đi nữa xin vẫn yêu em

Nếu như ở những phần đầu của ca khúc, người ta chỉ nhận thấy nỗi niềm day dứt nhớ, và mong ước quá đỗi giản dị nhưng không thực, thì ở khúc cuối bài hát sự thật trước mắt trở lại hiện thực. Cái hiện thực ".. dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời, cũng đã muộn rồi.." chỉ được nhắc đến khi người ta hiểu, ước mơ và kỉ niệm chỉ thật đẹp khi mọi thứ đã qua. Nếu con người ta đã dắt nhau qua biết bao khó khăn, nhưng cuối cùng lại phải nhường lại hạnh phúc cho người "đưa em đi đến cuối cuộc đời", mơ ước mãi rồi cũng chỉ có thể thốt lên một lời cay đắng:"Tình ơi! dù sao đi nữa xin vẫn yêu em".

Chữ tình ở đời, xét cho cùng làm người ta hạnh phúc nhất và cũng làm con người ta đau khổ nhất. Con người thăng hoa khi được yêu đến ngập lòng, mặc định mình là kẻ hạnh phúc nhất, sẵn sàng vì niềm vui chứa chan ấy mà trải nghiệm gian truân. Và rồi một khi tình yêu cất cánh bay đi để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi, người ta đau đấy, không tin đấy, mà vẫn hoang mang trong nỗi ước mong người mình yêu thương quay trở lại. Người ta có thể đếm được từng kỉ niệm ngọt ngào đã qua nhưng sẽ chẳng bao giờ tự hỏi có bao nhiêu phần nỗi buồn phải chịu đựng. Chính vì thế, ước mơ hoài rồi cũng phải chấp nhận, đau quá nhiều để mà vượt qua, con người sẽ lại tiếp tục hành trình cuộc đời mình bằng những niềm tự ủi an. Cũng như một lần nào đó, ngồi ngẫm lại, như lời một ca khúc nổi tiếng khác của Ngô Thụy Miên, rằng:
Mưa đã rơi và nắng đã phai
Trên cuộc tình yêu em ngày nào
Ta vẫn yêu hồn ta vẫn say
Qua bao nhiêu năm tháng ơ thờ
Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc mầu
Một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người

MCOI
Niệm khúc Cuối" với tiếng hát SĨ PHÚ

http://www.youtube.com/watch?v=WOzlFdWVHmM

- "Bản Tình Cuối" với tiếng hát ca sĩ TUẤN NGỌC
 
Nếu nghe một bản nhạc Trịnh như "Mưa hồng" ở góc quán cà phê nào đó vào buổi chiều mưa, ắt hẳn không ai lại không thấy mình chìm vào trong tâm trạng u uẩn. Và đôi khi tâm trạng lại dẫn dắt con người ta vào tiềm thức của kỷ niệm…

Lang thang cả chiều dài đất nước vẫn không kiếm tìm được một nơi trốn tránh hình bóng xưa cũ. Có lẽ, đi đâu thì vẫn phải nhớ đến, sang mùa nào cũng vẫn một tình cảm đó dành tặng cho nơi ấy, người ấy.
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm
Mây âm thầm mang gió lên

Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng


Góc phố dịu dàng trong cái xiên trời nắng hắt lên từng bước chân tan trường. Bóng trắng phấp phới bay những tà áo dài gợi nhớ về tiềm thức xa xôi. Nơi ấy con đường thành bạn với đôi chân buồn mỗi chiều lang thang. Giờ lại bồi hồi mong tìm thấy cái nhìn thân quen, cũng lại mong ấy chỉ là phút nhầm lẫn mà thôi. Tuổi mười tám đôi mươi ở đâu cũng duyên thầm nụ cười, lúng liếng ánh mắt hay dẫu chỉ là bước đi hồn nhiên. Con đường này rồi cũng sẽ lại vẽ lên bóng dáng người em gái áo dài trắng thướt tha buổi tan trường…

Nay em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau
Một thời xứ hoa đào bảng lảng những chiều sương giăng, gợn lăn tăn bên hồ Than Thở đôi bóng tình nhân sóng bước. Trong làn hơi nước ấy thi thoảng đưa chút hương dịu nhẹ tóc ai, thi thoảng vương lên cỏ hương chút nhớ thương. Đi bên người mà tựa như mình đang phiêu diêu ở chốn nào đó. Giờ chỉ một mình dưới lất phất hơi nước nơi chân cầu lượn quanh con thác chỉ mình một người lặng lẽ nhớ.. Những lời thủ thỉ đó vẫn còn bên tai mà người em gái ấy không còn sánh bước bên cạnh. Đâu đấy trên cao mây đã phủ màu tím nhớ nhung…


Người ngồi xuống mây ngang đầu
Mong em qua, bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du

Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Lặng lẽ Lang-biang vẫn xanh mướt đồi cây xòa bóng những con đường cô quạnh. Ngồi một mình trong chiều dần buông xứ mộng mơ mà nghe tiếng vó ngựa khua lộc cộc còn nỗi buồn nào cô đọng hơn nơi đây. Còn đâu hơn đây điệu hoang sơ giữa núi rừng điệp trùng vi vút những đồi thông buồn đến nao lòng. Có phải cứ lẩn trốn lại càng thấy mình bất lực khi bị buộc giữ bằng chính tâm hồn. Giữa thinh không chỉ vang lên một nhịp buồn tưởng như vô tận. "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ"...

"Mưa hồng" đưa tâm hồn người nghe vào một câu chuyện bất tận mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được chút buồn mơn man trong từng giai điệu. Có những lúc là niềm vui kỷ niệm, khi lại thấy man mác cảm xúc vây quanh mình. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã thổi vào "Mưa hồng" một sức sống bền lâu mang đến cho bao lớp người nghe tâm trạng bâng khuâng và chút lặng yên mà nghĩ suy. Và hãy thử lần nào đó chìm lắng trong giai điệu của "Mưa hồng" một chiều trên cao nguyên Lang-biang, nơi câu chuyện được kể bằng ký ức...


Mưa Hồng" với tiếng hát ca sĩ KHÁNH LY
 
Có những câu hát bất chợt thoảng qua tai khi ta đi trên đường bỗng làm trái tim thổn thức, bâng khuâng, nhiều khi là giật mình vì giọng hát kia như đang nói hộ lòng mình. Âm nhạc nhiều khi làm cho người ta bật khóc vì nó nói đựơc những điều mà ta chỉ có thể trải nghiệm bằng cảm nhận của riêng mình…

Mưa, mưa sáng những ngày thu! Đi trên đường, những hạt mau, thưa rơi nhoà trên mặt, bỗng từ đâu những câu hát ấy, mênh mang…, miệt mài… dội lại trong tâm trí. Từ một quán café bên đường? Hay từ trong tâm tưởng của một tâm hồn đang dồn nén bởi những cô đơn giờ đây được không gian bàng bạc mưa khai mở? Không biết, và cũng ko cần biết nữa.

Những câu hát như những lời ru miệt mài đưa bước em đi về một miền giáo đường, mà có lẽ là một miền ký ức mông lung…
Trời còn làm mây, mây trôi lang thang …
Đoá hoa hồng vùi quên trong tay
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài…


Em mang trên tay những bông hồng hay mang tình một tình yêu, mang mà như quên, như cố quên, một sự vùi lấp những ký ức, những kỷ niệm đã làm em buồn “ru em giận hờn, ru em giận hờn.. .”
Trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi
Từng phiếm mây hồng, em mang trên vai
Tuổi buồn như lá, gió mãi cuốn đi, quay tận cuối trời...

Đời người như một giấc mộng phù du, như một điều gì đó không thật, đứng bên bờ vực của nỗi vui và cơn buồn sầu như từ kiếp trước. Tuổi em buồn, tuổi ta buồn hay cuộc đời chúng ta buồn như chiếc lá kia mỏng manh vô định. Em không biết, ta cũng không biết…
Trời còn làm mưa, mưa rơi thênh thang,
Từng gót chân trần, em quên, em quên
Ôi miền giáo đường, ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai…


Âm điệu mênh mang trải dài suốt bài hát gợi cho ta những cảm xúc thật khó nói được bằng lời. Đời người, ai tránh được những khổ đau.
“Đoá hoa hồng tàn hôn lên môi… Lời ru miệt mài... ngàn năm, ngàn năm.. .”
Có những người như mang trong lòng khổ đau, sầu nhớ từ kiếp trước, để rồi khi nghe những âm điệu mênh mang ấy lại giật mình như đang nhớ lại điều gì không thực mà sao lại khiến ta buồn đến lạ
Ôi đường phố dài lời ru miệt mài...Ngàn năm..ngàn năm...

Tuổi Đá Buồn" với tiếng hát Khánh Ly
 
http://www.youtube.com/watch?v=gqtuHL4G63Y
Tháng Sáu Trời Mưa

Trời còn làm mưa
Mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn
Em mang em mang
Đi về giáo đường ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng cài lên tóc mây
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em nồng nàn
Ru em nồng nàn

Trời còn làm mây
Mây trôi lang thang
Sợi tóc em bồng
Trôi nhanh trôi nhanh
Như giòng nước hiền
Ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng vùi quên trong tay
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em giận hờn
Ru em giận hờn

Trời còn làm mưa
Mưa rơi mưa rơi
Từng phiến băng dài
Trên hai tay xuôi
Tuổi buồn em mang
Đi trong hư vô
Ngày qua hững hờ
Trời còn làm mưa
Mưa rơi mưa rơi
Từng phiến mây hồng
Em mang trên vai
Tuổi buồn như lá
Gió mãi cuốn đi
Quay tận cuối trời

Trời còn làm mưa
Mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần
Em quên em quên
Ôi miền giáo đường
Ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi
Em gầy ngón dài
Lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em muộn phiền
Ru em bạc lòng
 
Cơn mưa đầu mùa hạ dệt nên những tấm lưới bằng thủy tinh trong suốt nhẹ nhàng, dễ vỡ mỏng manh... Người ta tìm thấy trong mưa những thế giới mà ta chưa hề biết đến. Những thân cây xà cừ đen sẫm lại nổi bật trên nền lá đầu hạ xanh non... Mưa lấy màu vàng tươi từ những chiếc lá đang sẵn sàng lao vào một cuộc phiêu lưu mới để vẽ lên những tấm thảm vàng trải dài tưởng như bất tận....

Mưa thả mình vào những góc khuất của con phố nhỏ khiến bước chân người thêm hối hả ...
...Không hiểu sao người ta lại tránh mưa, ngay cả khi người ta chờ đợi từng giọt mưa sau bao ngày hè bỏng rát...
...Không giống như ta ngày còn bé thích dầm mưa và mở rộng mọi giác quan để chào đón và khám phá nó...


Hai bàn tay nhỏ xíu giơ ra đỡ lấy từng giọt mưa nặng dần rơi xuống, một, hai rồi ba chấm lạnh,...Bàn tay khum khum như muốn giữ lại tất cả...,đôi chân trần lội trong nước để tận hưởng cái mát lạnh của dòng chảy đang mạnh dần lên dưới chân mình... Rồi cả thân hình nhỏ xíu rung động trong làn mưa, trong tiếng ào ào của cả một thế giới sống động như hàng ngàn dây đàn đang rung lên cùng một lúc...

Đôi khi ta còn muốn nếm xem, mưa có vị gì, mùi gì...và chẳng hề thất vọng khi khám phá ra rằng, mưa không có mùi gì và cũng không có vị gì cả...
... ta thích thú ngắm nhìn hàng giờ những giọt nước mưa chạy loăng quăng trên mặt chiếc lá khoai nước, băn khoăn tự hỏi, sao mưa cứ khóc mà chiếc lá khoai kia vẫn chẳng hề rung động...

Những hạt mưa làm chú cóc con trong góc vườn ướt sũng, nhảy ra lóp bóp thích thú...
Hàng ngàn chiếc vương miện bằng pha lê trong suốt rơi đầy cả sân nhà, khiến cô bé con nào bên cửa sổ khẽ mỉm cười với giấc mơ công chúa...

Những cơn mưa to khiến ta thấy muốn mình nhỏ lại, nằm co tròn trong lòng mẹ...để mặc mưa vội vàng đi lướt qua những con đường heo hút...
Mưa cố tình giũ đi màu tím của bằng lăng để làm phai bạc những kỷ niệm của một thời...
Nhưng một ngày kia, ta chợt khám phá ra rằng...

....mưa có màu bởi trong làn mưa ấy, có cả màu vàng xanh của những đám lá sấu chấp chới ...
...mưa có cả vị mặn của nước mắt, vị chát của mồ hôi...
...và có cả mùi vị của sự đợi chờ, hy vọng...
Ta tự hỏi điều gì nối những màn mưa mỏng lại với nhau? ... mà đôi khi ta lại thấy, mưa như đang làm rối tung lên những kỉ niệm, ký ức...tất cả ào ạt về nhưng rồi lại trôi đi mát lạnh trong làn mưa chiều hạ...


Cơn Mưa Hạ" với tiếng hát LÂM THÚY VÂN


Từng hạt mưa nhẹ như phím đàn
Tình gọi tình vòng tay quá ngỡ ngàng
Làn môi hôn rét căm trong đêm
Tình nghiệt oan đưa ta vào vòng ái ân

Nhạc gọi người hay mưa trút xuống đời
Thành dòng lệ thành đêm bão tố về
Rồi từ đó cũng nghe trong em
Lòng đổ mưa cơn mưa hạ về giữa đêm

Lòng em đó rét mướt như muôn phím tơ
Tình yêu hỡi mãi mãi mong gì đón chờ
Dù những đêm buồn đơn vắng nhớ khôn nguôi
Chuyện đêm nay cơn mưa hạ về bất ngờ

Tình mông mênh vừa tan lúc cuối ngày
Đời mong manh sầu đau vẫn lấp đầy
Giờ lặng lẽ bướt chân lênh đênh
Đường hò hẹn chốn đi về chợt vắng tênh
 
Người con gái Huế với sự dịu dàng, nét mong manh đến thanh khiết như cơn mưa đầu hạ đã làm xao xuyến trái tim đa cảm của người nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, khơi mạch nguồn cảm xúc cho Diễm Xưa…

Ở Huế, tiết trời luôn thoang thoảng trong không khí của buồn vương mang mác, của những chuyến mưa ngang qua trời giống – những chuyến đò đưa khúc vui buồn của người nghệ sỹ. Tình yêu, đôi khi được khơi nguồn một cách thầm lặng chỉ từ một cơn mưa.

Những cơn mưa ngắn, những cơn mưa dài. Có cơn mưa ào ào gõ sầm sầm đều như mõ trên những tàu lá , có cơn mưa chỉ rả rích nhẹ nhàng như phây phẩy chút ướt át lên mặt đất, tưới vào lòng người những bâng khuâng. Tình yêu của Trịnh Công Sơn cũng vậy, ông dành trọn vẹn sự chân thành của mình cho Huế, mưa và người con gái dưới hàng cây long não thuở nào.

Trong Diễm Xưa ẩn chứa một tình yêu mang đầy nuối tiếc. Vả chăng đó là sự ý thức của thời gian, của sự tàn phai và trong đó bao gồm tất cả những tâm tư người nghệ sĩ.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa


Trong cơn mưa bay nhạc sĩ ôm Huế với những lăng tẩm, đền đài, thành quách vào lòng. Huế với người con gái tà áo dài vương đầy bóng đổ, bay ngang một chiều trong cơn gió lạc, cứ phảng phất cô liêu.

Huế với mưa! Tất cả cứ như một điệp khúc trở đi trở lại trong tâm trí người, để nghe và mường tượng ra khung cảnh nên thơ ấy. Một chiều như bất kì chiều nào trên đất Huế, mưa cứ dài thêm, con đường hun hút, có bước chân người con gái xưa ấy đi ngang qua vội vã âm thầm trong chiều thu nặng đầy tiếng mưa…


Mưa như thấm lạnh hình dáng mỏng manh, như thổi dạt tấm thân ngà ngọc, mưa như đẩy lá trút xuống xào xạo phía dưới mòn đôi gót nhỏ, con đường như lại càng dài hơn, xa hơn và mù mịt.

Sắc xanh của lá, màu trắng đục của mưa, sự thâm trầm rêu phong của những tầng tháp cổ và gót chân hồng bước vội vã đã hòa thành một bức tranh nhuộm tâm hồn người nghệ sĩ buồn đến nao lòng. Buồn đến xót xa…


Ngôn từ Diễm Xưa tựa như lời luyến tiếc những kỉ niệm đã trôi qua, giống như sau mỗi cơn mưa bụi đường đều được rửa sạch. Thì thời gian cũng như những cơn mưa, đó là sự tàn phai, xóa nhòa dấu vết.

Và đôi khi những kỉ niệm lại trở về trong một khung cảnh cũ cứ khứa sâu thêm vào vết thương xưa chưa kịp lành. Để khiến ta mong chờ, hy vọng, khắc khoải, và rồi dần dần ngập sâu trong màn kí ức chống chếnh những cơn đau
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau


Trải suốt cuộc tình là những cơn mưa, mưa khiến người con gái nhòa vào khung cảnh bỗng thành nên thơ, mưa khơi gợi kỉ niệm khiến kí ưc rơm rớm nỗi buồn thương lặng lẽ, những hẹn hò nhưng không mang nhiều hứa hẹn dần tàn phai.

Cuộc đời vẫn xoay vần, những cơn mưa đến rồi đi cứ như một lời ru cho cuộc đời tục lụy thoát vui buồn lẩn khuất. Sự dàn trải, bao phủ và thẩm thấu của mưa với những miền đất nơi nó đi qua không chỉ làm mặt đất bớt cằn khô, mưa như song hành với người nghệ sỹ, để mỗi khi bước chân đi qua một thành phố lạ, cơn mưa quen thuộc ấy sẽ làm cho “người phiêu lãng quên mình lãng du“.

Bởi với Trịnh Công Sơn mỗi cuộc đời là những chuyến đi và có lẽ trong đôi mắt sâu thăm thẳm ấy, trong hình dáng hao gầy ấy hành lí mỗi chuyến đi của đời người là kỉ niệm…
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau


Có lẽ những cơn mưa Huế sẽ mãi dai dẳng không bao giờ hết, những tâm hồn khao khát tình yêu, chân thành chờ đợi, dai dẳng âm thầm cũng thế. Thứ tình cảm khiến cho ta có thể yếu mềm đến khóc, lại cũng có thể khiến ta vững chãi đến kì lạ ấy luôn luôn tồn tại trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn tính cách của ông: thâm trầm, lặng lẽ, dõi theo và chờ đợi. Giống như mưa Huế dài đến tư lự và mênh mông bao trùm.

Thu thoáng chút ngập ngừng bên ban công cửa sổ, những hạt mưa long lanh đậu rụt rè nửa muốn ở lại nửa muốn rơi trên mái hiên, tâm hồn được nhuốm xanh màu lá ướt đẫm nhẹ nhàng như hơi thở, con đường sạch bụi nhấp nhoáng nước in bóng dài những hàng cây yên ả. Những rung rộng nhảy nhót trong tim vang lên như tiếng piano thánh thót, đó chính là mùa thu của Huế, có khi nào bạn bắt gặp không?

Mặc dù, hầu như tất cả những nụ hồng trong thế giới nhạc Trịnh đều là những nụ hồng phai, nụ hồng ẩn dấu trong nó ít nhiều phôi pha, héo úa thì ông vẫn trông ngóng một tin vui nào đó sẽ tới, trông mong một hạnh phúc sẽ về: “Bước chân em xin về mau“…

Bởi như như là một triết lí ông đã khẳng định trong âm nhạc của mình rằng:
Làm sao em biết bia đá không đau
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…


Tình yêu, mưa, Huế và Trịnh Công Sơn là mối duyên kì ngộ được tạo ra bởi Diễm, người con gái của những ngày xưa vẫn thong thả đi về dưới hàng cây long não…


Mưa trong tiềm thức của ai đó có khi là một kỷ niệm buồn, có khi là lạnh lẽo, là cô đơn là trống vắng, có khi lại là những phút giây ngọt ngào, hay một kỷ niệm chưa đặt tên.
Những cơn mưa phùn ảm đạm ... Mưa làm cho con người ta run rẩy. Mưa làm cho những con đường trở nên nhem nhuốc. Không gian lặng ngắt, cảnh vật hiu hắt buồn...

Những trận mưa rào xối xả như cuốn phăng đi mọi ưu tư phiền muồn của lòng người. Mưa cuốn trôi đi những bụi bặm những tàn dư của cuộc sống. Mưa làm sạch không gian. Mưa tráng bóng con đường. Mưa gột rửa . Mưa làm cho cảnh vật thêm sức sống. Tất cả như thay một tấm áo mới, khuôn mặt mới. Sau cơn mưa trời trong veo, không gian trong lành, lòng người thanh thản. Thật tuyệt vời!



Mưa ngăn bước chân người ta ra ngoài nhưng lại kéo con người lại gần nhau hơn.
Bạn hãy thử một lần lắng nghe mưa mà xem. Hay lắm đó. Thích thú lắm đó. Ngoài trời cũng đang mưa kìa, hãy lắng nghe !
Tiếng mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá, tiếng tí tách rơi trên những mái nhà... âm thanh đó sao mà dễ thương nhường vậy. Mưa rơi thành bản nhạc trong trẻo của thiên nhiên, vậy không có lý gì mà chúng ta không cất cao tiếng hát nhỉ? Không hát sẽ là phụ lòng mưa đó. Những thanh âm đó như muốn nhảy xuôi vào lòng người , làm tan chảy nỗi cô đơn của lòng người vậy.

Tiếng mưa rơi sao nhộn nhịp thế. Mưa đuổi nhau, mưa tinh nghịch, mưa trêu ghẹo người qua đường. Mưa hôn lên tóc, lên vai, mưa thích thú khi thấm ướt. Mưa nô đùa như con nít. Nếu bạn nhìn những giọt mưa đuổi nhau, tung tăng nhảy nhót trên mặt nước, bạn sẽ thấy mưa thật đáng yêu!


"Thà Như giọt Mưa" với tiếng hát Duy Quang
 
 
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa khô trên tượng đá
thà như mưa gió đến ôm tượng đá
có còn hơn không, có còn hơn không
có còn hơn không, có còn hơn không

Người từ trăm năm về qua sông rộng
Người từ trăm năm về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay, ta ngoắc mòn tay
chỉ thấy sông lồng lộng, chỉ thấy sông chập chùng

Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa khô trên tượng đá
thà như mưa gió đến ôm tượng đá
có còn hơn không, có còn hơn không
có còn hơn không, có còn hơn không

Người từ trăm năm về khơi tình động
người từ trăm năm về khơi tình động
ta chạy vòng vòng ta chạy mòn chân
nào có hay đời cạn nào có hay cạn đời

Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa khô trên tượng đá
thà như mưa gió đến ôm tượng đá
có còn hơn không, có còn hơn không
có còn hơn không, có còn hơn không

Người từ trăm năm về như dao nhọn
người từ trăm năm về như dao nhọn
dao vết ngọt đâm ta chết trầm ngâm
dòng máu chưa kịp tràn
dòng máu chưa chảy đầm

Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa khô trên tượng đá
thà như mưa gió đến ôm tượng đá
có còn hơn không, có còn hơn không
có còn hơn không, có còn hơn không

Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
ta chạy mù đời ta chạy tàn hơi
quỵ té trên đường rồi
sợi tóc vương chân người

Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa khô trên tượng đá
thà như mưa gió đến ôm tượng đá
có còn hơn không, có còn hơn không
có còn hơn không, có còn hơn không

Người từ trăm năm về ngang trường Luật
người từ trăm năm về ngang trường Luật
ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
đau lòng ta muốn khóc
đau lòng ta muốn khóc

Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên
để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
những giọt run run ướt ngọn lông măng
những giọt run run ướt ngọn lông măng
khiến người trăm năm đau khổ ăn năn
khiến người tên Duyên đau khổ muộn phiền
 


"Thương Nhau Ngày Mưa" với tiếng hát LÂM THÚY VÂN & DON HỒ
 
Như mưa ngày nào thắm ướt vai em
như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm
Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm
Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu
Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh
xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau

Khi mặt trời vắng bóng khi lời nguyền khuất lấp
Nghe lạc loài kiếp sống sao mỏi mong
Như giọt buồn nước mắt
Mưa ngại ngùng héo hắt
Thương người về buốt giá trên đường xa

Bao là tình thắm thiết
Cho giờ này nuối tiếc
Thương nhiều rồi cũng cách xa mà thôi
Mưa từng ngày thiết tha
Mưa bàng hoàng xót xa
còn mưa mãi giữa bơ vơ đắm trong mơ

Như mưa ngày nào thắm ướt vai em
như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm
Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm
Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu
Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh
xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau

Tình khúc chiều mưa (Nguyễn Ánh 9)
 
Thanh Trúc hát
 
 
Chiều mưa ngày nào sánh bước bên nhau
Tin yêu dạt dào mộng ước mai sau
cho ân tình đầu mãi mãi dài lâu
cho duyên tình đầu đừng có thương đau
Chiều nay một mình chiếc bóng đơn côi
mưa rơi giọt buồn giá buốt tim tôi
mưa rơi lạnh lùng xóa dấu chân xưa
tin yêu bây giờ trả lại người xưa

Tình chết không đợi chờ.
Tình xa ai nào ngờ.
Tình đã phai nhạt màu còn đâu
Tình trót trao về người
thì dẫu lỡ làng rồi
người hởi xin trọn đời lẻ loi

Chiều mưa ngày nào sánh bước bên nhau
Tin yêu dạt dào mộng ước mai sau
cho ân tình đầu mãi mãi dài lâu
cho duyên tình đầu đừng có thương đau
Chiều nay một mình chiếc bóng đơn côi
mưa rơi giọt buồn giá buốt tim tôi
mưa rơi lạnh lùng xóa dấu chân xưa
tin yêu bây giờ trả lại người xưa
http://www.youtube.com/watch?v=tcOIiIMkjd4
 
Tình lỡ nên tình buồn
Tình xa nên tình sầu
tình yêu phai nhạt màu, còn đâu
Lời cuối cho cuộc tình
dù đã bao muộn phiền
lòng vẫn yêu trọn đời
người yêu ơi !...
Mưa … mưa mỗi lúc một lớn. Phố xá bỗng thưa người qua lại. Con đường vốn sạm đi vì nắng thì nay như hiền hòa hơn với với những hạt mưa mát lành. Chậu hoa bên cửa cùng những chiếc lá bị héo đi bỗng trỗi dậy một sức sống mới với những giọt long lanh. Mưa luồn lách vào mọi ngóc ngách của phố xá, len lỏi cả vào tâm hồn mỗi người, gắn kết những những kỷ niệm lại với nhau.
Hình như ai cũng có kỷ niệm đẹp với những cơn mưa. Cơn mưa như trút hết đi những nỗi buồn và tâm trạng. Mưa mang lại cho những đôi tình nhân thêm những kỷ niệm đẹp đáng nhớ. Cơn mưa làm cho bầu không khí vốn đầy khói bụi trở nên trong lành và căng tràn một sức sống mới.

Hãy để mưa thanh lọc tâm hồn của bạn. để những nỗi buồn cứ đến rồi đi như những cơn mưa chợt đến, chợt đi.


"Cho Lần Cuối" với tiếng hát LÊ UYÊN & PHƯƠNG

 
- "Buồn Đến Bao Giờ" với tiếng hát LÊ UYÊN & PHƯƠNG
 
Trời mưa mãi mưa hoài
Thần tiên giấc mơ dài
Vào cuộc đời sỏi đá, biết mình si mê
Buồn ơi đến bao giờ
Còn thương đến bao giờ
Khi mùa thu còn mang tiếng buồn đêm hè

Vòng tay đã buông rồi,
Chán chường in trên nét môi
Muốn lệ sầu dâng nữa thôi đem vào nhau
Dung nhan mang tình yêu
Còn ánh sáng huy hoàng
Tìm ánh mắt, tìm suối tóc khi còn thơ ngây

Vành môi khép mong chờ
Người đi dáng bơ phờ
Sao còn đem tiếng khóc, ước vọng ân tình

Em ơi, lá đổ hoa tàn
Đếm tuổi cuộc đời trên hai bàn tay trơn
Em ơi, em ơi!
Xuân nào tàn, Thu nào vàng, môi nào ngỡ ngàng

Nằm nghe tiếng mưa nguồn
Tưởng em bước chân buồn
Đang vỗ về lá úa trong lòng đêm thu
Buồn ơi, đến bao giờ
Còn thương đến bao giờ
Thương nụ cười đơn côi, tháng đợi năm chờ


http://www.youtube.com/watch?v=_SX9nJE1SWA

Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau.
Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
Cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau.

Bàn tay năm ngón suông đem vào nhau hẹn sau.
Bàn tay năm ngón suông đem vào nhau mộng mau
Ngoài trời mưa, mưa hoài, gió mưa nặng nề
Người ngồi nghe xa cách đá xanh ơi mỏi mòn

Lệ ngập ngừng bờ mi, giọt nước mắt lăn nỗi buồn
Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông
Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền
Nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau
Ngày mai ta không còn thấy nhau.

1 comment:

Grass said...

Không biết trang blog của ai, đọc hay đến mức muốn tìm chủ nhân.
Nhưng bài được viết từ 2011, có lẽ blog này cũng đã bị lãng quên...
Than ôi,