Wednesday, December 7, 2011

Mưa


Đêm Tha Hương, Hoàng Thanh Tâm - Khánh Ly
http://youtu.be/x9w-zFhwWPs


Mưa rơi sầu viễn xứ, Mưa gieo rắt u hoài
Mưa trên lối đi mòn, Đường đêm ánh trăng soi
Bóng ai mờ trên lối

Trăng khuya sầu bao mối, Cho mưa khóc lưng đồi
Trăng chia cách đôi đường, Đời như cánh chim trời
Giữa đêm trường mù khơi

Đã qua nhiều mùa trăng,
Đời như cánh chim lang thang mây trời
Sắt se lòng nhớ mơ về phía nơi xa mờ

Nhớ quê nhà ngàn phương
Chìm trong khói sương thê lương mịt mờ
Gởi theo ngàn gió, Đến quê nghèo một trời thương

Mây giăng sầu muôn lối. Cho trăng gẫy đôi bờ
Mây bay chốn xa mờ, Đời bao nỗi ơ thờ
Rót muôn vàn nhung nhớ

Sương đêm rụng trên lá, như trăn trối đôi lời
Sương rơi những đêm dài, lạnh thêm kiếp phong sương
Thiếu muôn vạn tình thương.
Mưa Rơi
Tác giả: Ưng Lang
Lời : Châu Kỳ



Mưa rơi ...
Chiều nay vắng người
Bên thềm gió lơi
Mơ bóng ngàn khơi


Mưa rơi ...
Màn đêm xuống rồi
Mây sầu khắp nơi
Thương nhớ đầy vơi


Bâng khuâng nghe tiếng tơ dịu dàng
Nhìn lá úa theo hoa tàn
Tiếc thay phút giây lìa tan



Ai đi như xóa bao lời thề.
Thuyền theo nước trôi không về
Thấu cùng lòng ai não nề
Riêng chốn phòng khuê



Mưa rơi ...
Đìu hiu dưới trời
Ðêm dài vắng ai
Thương nhớ nào nguôi







Bài hát “Mưa rơi” của Ưng Lang


Thanh Trang


Lớp người trẻ ngày nay có mấy ai biết đến bài hát “Mưa rơi” của Ưng Lang không nhỉ? “Trẻ” có nghĩa là bốn mươi lăm, năm mươi trở xuống. Mà cho dù không mấy ai biết đến đi nữa thì chắc chắn cũng chả phải do nơi lỗi của họ; vì nếu như các CD trên thị trường, các chương trình gọi là “Nhạc thính phòng”, các ca sĩ chỉ quen hát những “Mưa Sài Gòn mưa Hà-Nội” của Phạm Đình Chương (phổ thơ Hoàng Anh Tuấn; cả hai đều đã qua đời) và “Đuờng xa ướt mưa” của Đức Huy, chẳng hạn, thì làm sao người nghe người ta biết đến những giai điệu đẹp của một thời đã qua, tưởng chừng như lâu lắm! Tuy cũng cần mở ngoặc để nêu sự thể là cả hai bài tôi vừa dẫn làm ví dụ đều là những bài có giá trị cả; và nếu chỉ đưa ra những bài ngang ngửa như thế thì còn nói mà làm gì. Chỉ phiền là người nghe vẫn cứ phải nghe những bài về mưa chả có ra làm sao cả!

Đối với lớp người thích nghe ca hát thuộc cái lứa sáu mươi đổ lên thì hẳn nhiên bài hát “Mưa rơi” của Ưng Lang không lấy gì làm xa lạ! Ai khác sao không biết nhưng riêng tôi thì xưa giờ lúc nào cũng có thể nghe đi nghe lại cả chục lần trong một lúc bài “Mưa rơi” mà chả cảm thấy phiền hà gì hết! Nghe vào những hôm sắc trời ủ dột, mây đen kéo tới rồi cứ thế mưa rả rích trong đêm thì lại càng cảm thấy thấm thía; và cứ thế mà nhớ nhung đủ thứ chuyện xa chuyện xưa!

Nhạc sĩ Ưng Lang năm nay, 2008, tám mươi chín tuổi. Xem danh tính, chẳng cần quen thì ta cũng đều biết ông là người xứ Huế, thuộc hàng danh gia vọng tộc! Tám mươi chín nhưng trông ông vẫn có khuôn mặt cân đối, đặc biệt thanh lịch. Giọng nói vẫn còn âm sắc rõ ràng. Đủ biết là xưa kia ông đẹp giai và hấp dẫn đối với đám nữ lưu xứ Huế cỡ nào!

Gặp ông, tôi nhắc lại bài “Mưa rơi” và bài “Chiều tiễn biệt” mà xưa kia người ta đã từng đưa vào bộ phim Việt Nam ở Sài Gòn vào cái thời cuối thập niên 50. Thường thì bao giờ gặp gỡ những vị như thế này tôi đều một mực kính cẩn và tri ân. Không có các vi ấy thì xưa kia hồi còn nhỏ tôi đã chẳng đuợc nghe những giai điệu đẹp đẽ của các vị để rồi từ đó yêu thích âm nhạc! Ai trong giới sáng tác bất cứ bộ môn gì mà làm ra cái kiểu như “tài năng” của mình là do ”trời phú”, chả có rau Mơ rễ Má gì với giống người thì tôi đồ chừng là trước sau cũng chả làm nên cơm cháo gì!

Tôi còn nhớ khi đề cập đến bài “Mưa rơi” thì tôi có tò mò hỏi thăm đôi điều và đuợc ông dẫn giải về “lai lịch” của nó như sau:

- Thưa Chú, nguyên lai gì dẫn đến bài “Mưa rơi” ?
- Ấy là năm 45. Tôi đang làm việc ở Vinh, ngoài Thanh Hóa, vì nghề của tôi là Kỹ Sư Công Chánh.
- Dạ?
- Thế rồi tôi quen cô ấy!
- Chú cho cháu biết danh tính đuợc chăng?
- Tên là XX (*) ; mẹ của YY (**) về sau này.
- Tức là nữ ca sĩ YY?
- Đúng rồi!
- Kiểu như lời lẽ trong bài hát thì sau đấy hai người xa nhau?
- Đúng rồi!

Hỏi xong thì tôi mới sực thấy mình là ngớ ngẩn! Đôi bên ngày đó không xa nhau thì người ta đã thành vợ ông rồi còn gì? Mà đã lấy đuợc nhau thì dễ gì có bài hát? Đã lấy đuợc nhau thì làm gì lại có chuyện :”Ai đi, như xóa bao lời thề? Thuyền theo nước trôi không về.. Thấu cùng lòng ai não nề nơi chốn phòng khuê ? Mưa rơi …” (***)

- Thế rồi về sau Chú có gặp lại người ta?
- Có! Có gặp lại, nhưng rồi người ta cũng đã qua đời!
- Chú ở lại Vinh cho đến năm nào?
- Nhật nó đảo chánh một cái là tôi trở về Huế!
- Chú ở Huế đuợc bao lâu?
- Sau đảo chánh năm 63 thì tôi vào Sài Gòn!
- Vậy thì khi người ta đưa bài hát “Chiều tiễn biệt” vào phim xi-nê tức là Chú viết bài đó ngoài Huế?
- Đúng rồi!

Bài “Mưa rơi” nó hay ở chỗ nào? Nó hay ở giai điệu cùng lời lẽ theo phong cách của thời “Tiền chiến”. Nó hay và đẹp ở chỗ nó rất giản dị. Tôi còn nhớ lời của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn”Khi mới bắt đầu sáng tác thì tôi cứ tìm cách làm sao cho cầu kỳ phức tạp, sao cho “lạ”, thế nhưng càng về sau, càng có kinh nghiệm rồi thì tôi thấy rằng làm thế nào cho hay mà giản dị thì mới là điều khó!” Thì chứ còn gì nữa!







Chỉ cần một người biết đệm ghi-ta sơ sơ, từ đầu đến cuối bài “Mưa rơi” mà cứ bấm hợp âm “Re Trưởng”, một hai chỗ chêm vào hợp âm “Sol Trưởng” hoặc “La Trưởng bực 7” và thế là xong! Mà giai điệu của người ta hay thì vẫn cứ là hay! Chà cần gì phải làm ra cái kiểu “uyên bác”, ba hồi thì “augmenté”, ba hồi thì “diminúe”, ba hồi thì “6 è” hay là “9è”, nói theo tiếng Pháp, thì mới ra trò “đặc sắc”! Cứ xem những bức danh họa của Tàu khi xưa, có bao nhiêu màu sắc nếu không phải chì là mực Tàu nhưng ba hồi đậm, ba hồi nhạt; mà rồi danh họa thì vẫn là danh họa chứ việc gì cứ phải tô trát đủ thứ màu mè vào đấy?

Tôi đàn bài “Mưa rơi” như để trở về với những kỷ niệm của một thời rất xưa cũ đối với riêng mình.

Thanh Trang
Nam Cali., đầu mùa Xuân 2008

(*) và (**) : Xin cứ tạm xử dụng dưới dạng bí danh như thế đã vì có liên quan đến người còn sống !

(***) : Tôi có hỏi kỹ tác giả xem nơi bản in xưa kia của bái “Mưa rơi” thầy ghi phần lời là của Nhạc Sĩ Châu Kỳ thì sự thể là như thế nào? Ông trả lời:”Bài hát tôi làm lúc đó đã xong cả nhạc lẫn lời. Thế rồi Mộc Lan xa Châu Kỳ mà đi Hà Nội. Châu Kỳ có tâm sự buồn như vậy cho nên khi thấy bài hát của tôi thì đề nghị cho thay đổi vài chỗ trong lời hát cho gần với cảnh ngộ của mình, dụng ý của Châu Kỳ là lấy đấy như một lời “gửi gấm tâm sự” cho người đã xa mình! Tôi đồng ý để Châu Kỳ sửa vài chỗ như thế và đồng ý để Châu Kỳ đứng tên nơi phần lời ca cho đúng với nguyện vọng về mặt tình cảm riêng tư của anh ấy!






..dưới đây là vài dòng tâm sự của tác giả Y Vũ :



Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết …đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.

Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc “xế nổ” hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng…chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của “thất tình”. Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitar và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.

Mối tình đầu làm tôi trắng tay, nhưng nỗi bất hạnh ấy đem lại cho tôi xúc cảm để có được hai bài hát tâm đắc...


Tôi đưa em sang sông
(Y Vũ - Nhật Ngân)

Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẻ chung một lối về mà nở quay mặt bước đi

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn
Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
Đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời
Mà đời em là ước mơ,
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ

Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền ?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa..
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa




Mưa còn Rơi Mãi Vì Ai

Sáng tác: Diệu Hương

Này em có nghe tiếng mưa
Mưa rơi mênh mang bên thềm
Giọt mưa ướt trên đất mềm
Tình cờ nào ai hay biết
Từ xa có những tâm hồn
Lẽ loi đêm khuya âm thầm
Nghe giọt mưa rớt tình câm

Tình ai, ai biết cho
Đành lặng theo tiếng mưa
Mưa trong từng nỗi nhớ
Ta không còn tuỗi thơ
Riêng một mình lặng lẽ trông chờ

Sầu dâng có ai biết chăng?
Cô đơn ta trong thầm lặng
Hạt mưa lẫn theo nỗi buồn
Từng ngày dài qua năm tháng
Vì sao tiếng mưa rơi hoài
Giọt nước mắt tuôn đêm dài
Mưa còn rơi mãi vì ai ?


Tiếng mưa còn rơi
Hạt mưa còn rơi , hạt mưa còn rơi rơi từng giọt trên phím đàn
Hạt mưa còn bay , nhe lay hàng cây đêm về phố mưa đìu hiu
Tình yêu ngủ say , bỏ quên vòng tay mong chờ người sao không đến
Đèn khuya mờ soi bóng đêm lẻ loi riêng mình tôi
Hạt mưa còn rơi , còn đọng trên môi tiếng mưa se sắt hồn người
Hạt mưa còn rơi còn mong chờ ai nỗi buồn nào dâng tái tê
Hạt mưa còn rơi , giọt sầu chưa vơi bước chân người về trong rã rời
Người quên rồi quên , tình yêu rồi xa , chỉ còn tiếng mưa nhạt nhoà
Hạt mưa còn rơi hạt mưa còn rơi , như muộn phiền rơi xuống đời
Hạt mưa nào bay , đọng trong mắt cay âm thầm dấu xưa kỷ niệm
Bài ca dở dang , tình yêu dở dang cung đàn sầu dâng man mác
Một đêm nổi trôi , gió mưa tả tơi riêng mình tôi ...
Thà Như Giọt Mưa

Tác Giả: Phạm Duy (nhạc), Nguyễn Tất Nhiên (thơ)


Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa khô trên tượng đá
thà như mưa gió đến ôm tượng đá
có còn hơn không, có còn hơn không
có còn hơn không, có còn hơn không

Người từ trăm năm về như dao nhọn
người từ trăm năm về như dao nhọn
dao vết ngọt đâm ta chết trầm ngâm
dòng máu chưa kịp tràn
dòng máu chưa kịp tràn

Người từ trăm năm về khơi tình động
người từ trăm năm về khơi tình động
ta chạy vòng vòng ta chạy mòn hơi
nào có hay đời cạn nào có hay cạn đời

Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
người từ trăm năm về phai tóc nhuộm
ta chạy mù đời ta chạy tàn hơi
quỵ té trên đường rồi
sợi tóc vương chân người

Người từ trăm năm về qua trường Luật
người từ trăm năm về qua trường Luật
ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
đau lòng ta muốn khóc
đau lòng ta muốn khóc

Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên
để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
những giọt run run ướt ngọn lông măng
những giọt run run ướt ngọn lông măng
khiến người trăm năm đau khổ ăn năn
khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên.

Cơn Mưa Hạ
Lời : Trầm Tử Thiêng
Nhạc : Trúc Hồ
Tiếng hát : Lâm Thuý Vân
http://www.youtube.com/watch?v=pVNlTfz5uBc

Từng hạt mưa nhẹ như tiếng đàn
Tình gọi tình, vòng tay quá ngỡ ngàng
Làn môi hôn rét căm trong đêm
Tình như thoáng đưa ta vào vòng ái ân

Nhạc gọi mưa hay mưa trút xuống đời
Thành giòng lệ, thành đêm bão tố về
Rồi từ đó cũng nghe trong em
Lòng đổi mới, cơn mưa hạ về giữa đêm

Lòng em đó rét mướt như muôn tiếng tơ
Tình yêu hỡi, mãi mãi mong gì đón chờ
Dù những đêm buồn đơn vắng
Nhớ khôn nguôi chuyện đêm nay
Cơn mưa hạ về bấp bênh

Tình mong manh vừa tan lúc cuối ngày
Ðời mong manh sầu đau vẫn lấp đầy
Giờ lặng lẽ bước chân lênh đênh
Ðường hò hẹn chốn đi về chợt vắng tanh
KHÚC MƯA
SÁNG TÁC VÕ THIỆN THANH

Mưa rơi! Mưa rơi xuống phố, rơi trên làn tóc của em.
Hạt mưa về mang thương nhớ
Con phố vắng xa mờ, anh về chốn ấy
Mưa rơi! Mưa rơi tí tách, rơi trên thành phố lặng câm,
Em ra đi mãi, cứ mãi âm thầm mong chờ dĩ vãng...
Em đi về phía trời nao, tiếng mưa còn mãi nghẹn ngào
Cô đơn chợt đến, tiếng mưa buồn tanh!
Nghe lòng đắng cay
Anh mong chờ mãi, tiếng mưa gào thét!
Trời buồn u mê
Mưa rơi!
Mưa rơi thắm bước chân buồn bã về đêm,
Tinh yêu cũng như lá rơi rớt,
Khắp trên đường ta về buốt giá
Mưa rơi! Mưa rơi phố xá vắng tanh,
Tinh cũng buồn tanh,
Hạt mưa còn rơi rơi mãi,
Tinh yêu nay đã vắng xa.. rồi
Thà Như Giọt Mưa

Trần Viết Minh-Thanh

Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá, thà như giọt mưa khô trên tượng đá
...có còn hơn không, có còn hơn không
Người từ trăm năm về như dao nhọn, người từ trăm năm về như dao nhọn ...
dao vết ngọt đâm ta chết trầm ngâm
dòng máu chưa kịp tràn, dòng máu chưa kịp tràn ...”



Đầu thập niên đầu 70, những bài hát tình của Phạm Duy, phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, đã được tiếng hát ngọt ngào của Duy Quang đưa vào lòng người, nhất là các thanh thiếu niên, những người trẻ sống giữa chiến tranh, nhưng vẫn yêu đời, và ... yêu nhau . Yêu nhiều hơn nữa, vì giữa những pháo đạn, những triết lý, chính trị, bàn cãi của người lớn, những đêm đi từ lớp học thêm Anh Ngữ này, đến lớp học thêm Lý Hóa nọ, và những tối thức khuya với chồng bài vở, thi cử, thì âm nhạc là niềm vui, làm đời sống đỡ căng thẳng, để giới trẻ tạm quên chiến tranh.

Đối với những người sống vào thời ấy, những hình ảnh tình yêu của các chàng và nàng học sinh đã được in đậm, ăn sâu đến mấy mươi năm sau, không những thế, thiết nghĩ chẳng lộng ngôn tí nào, khi bảo rằng những hình ảnh đó đi thẳng vào văn chương Việt Nam. Đó là cảnh anh học sinh “lính quýnh giữa sân trường trao thư...”, cho cô nàng, “tóc thắt bím, nuôi dưỡng thơ ngây”, và nhất là ... cô em Bắc Kỳ nho nhỏ, đạp xe qua phố:

"Này cô em tóc demi garcon
Chiều hôm nay xuống đường đón gió,
Cô có tình cờ, nhìn thấy anh không?"



Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, cô nàng mới lớn xinh xinh, hơi chút kiêu kỳ vì được các anh hàng xóm hay các chàng trường "con trai" theo đuổi .... Đôi lúc cô hơi chanh chua, ngoe ngoảy, không hiền dịu bằng hình ảnh cô gái tóc thề, nấp dưới nón bài thơ ngày xưa. Cô tân thời hơn, líu lo dạo phố cuối tuần cùng đám bạn, nhưng không kém phần duyên dáng, cô là cô gái mới lớn ngây thơ, yêu đời và đi chân sáo vào tình yêu.






“Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ.
Này cô em mắt trời bao dung,
Nhìn anh đi hãy nhìn cho rõ,
trước khi nhìn đám đông, trước khi vào đám đông ..."



Quên làm sao được giọng hát trầm ấm của Duy Quang, đaị diện cho các chàng trai cùng thế hệ, tỏ tình cùng các cô em gái dễ thương, còn ngâm ô mai và hay hờn.

“Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”, “Em hiền như ma Soeur”, những bản hát diễn tả những mối tình đầu đời, còn vụng về, còn lấm màu mực tím của các chàng, nàng học sinh, sinh viên tạm quên mọi việc để mà yêu nhau. Những đón đưa, những chiều tan trường, qua con đường lá me bay, và những ngày mưa, với chiếc xe cổ lỗ xĩ:


“Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa"




Sao chàng Nguyễn Tất Nhiên lại nhìn ra là em hiền như ma-soeur nhỉ. Thật sự ai đã từng học trường các Ma soeur rồi thì không đồng ý đâu! Các soeur nghiêm lắm, sáng nào cũng đứng trước cõng, cầm cây thước, đón học sinh. Cây thước là để đo độ ngắn của váy. Váy quá ngắn là bị điệu lên văn phòng cảnh cáo! (Các soeurs cũng khôn lắm, đuổi cô học sinh theo mốt về, thì cô nàng có cớ cúp cua, cho nên thường chỉ bị kêu lên văn phòng nghe giảng morale thôi). Sau này thì các soeurs “ma-lanh” hơn, hình phạt cho cô nàng thích theo mốt, là phải bận chiếc váy dài, rộng thùng thình của soeur đi vòng vòng trong sân trường. Bận một lần là tởn tới già, váy rộng, dài, coi chướng vô cùng, còn gì là dân chơi nữa! Các soeurs mà thấy các anh léo hánh đứng trước cửa trường là các soeur đuổi thẳng tay à. Thế là có anh tự nhiên ngoan hẳn, dành chở cô em ruột chanh chua đi học, để có cớ đứng trước cõng trường con gái! Có những anh thì "mặc dày", soeur đuổi đàng này, một chóc lại thấy anh xuất hiện đàng khác rồi. Các soeur cũng không thích học sinh ăn quà và đi học hơi trễ một chút là biết tay với các soeurs ngay. Thế mà ông Nguyễn Tất Nhiên bảo các soeurs hiền!!!

Tuy các soeurs và bố mẹ canh kỹ vậy, nhưng tình yêu thắng thế tất cả. Bởi vì anh lẽo đẽo theo lâu quá mà. Cho nên mối tình kéo dài tới hai năm:

“Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao
Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau
Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao
Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau... “


Xa cách trong thời chiến hiển nhiên quá. Một kỳ thi không nắm vững là thấy Tương Lai hụt hẫn, không nằm trong tầm tay. Bốn năm đaị học coi như được thay bằng một bước vào đời xa lạ, khốc liệt.

"Người từ trăm năm về qua trường Luật
Người từ trăm năm về qua trường Luật
...Ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu,
Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc "



Sao lại là người từ trăm năm nhỉ? Có lẽ người thời nào cũng thế thôi, bước đầu đời hỏng làm ông Tú đời nay cũng đau như ông Tú trăm năm về trước!

Thế đó, sự kết hợp của Phạm Duy và Nguyễn Tất Nhiên được giới trẻ đón nhận một cách nồng nàn, hiển nhiên như đời sống, như thời cuộc! Không phải là một hiện tượng, mà là những lời thốt ra tự nhiên từ giới trẻ, sống trong một thời đại mà tương lai không do mình định đoạt, tương lai nằm ngoài tầm tay với. Với tiếng hát ngọt ngào, trẻ trung, có âm hưởng vui, Duy Quang thật thích hợp với những bài hát này. Không hẹn mà nên, người con đầu của Bố Già Phạm Duy đã diễn đạt được tư tưởng và dòng nhạc tình của ông, giọng nhạc tình dành riêng cho giới sinh viên, học sinh. Duy Quang hát rất thoải mái, ngọt ngào, không trau chuốt, tựa như tiếng hát của chàng học sinh trong sân trường, ấm, nồng, gần gủi, thân quen.




“Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
phất phơ đời sương gió, hồn mình gần nhau chưa? "



Lời tình tự của đôi trẻ, tình yêu đầu đời không có đoạn kết, nhẹ nhàng, buồn mơ màng như khói sương, như làn mưa bay trong thành phố, như hạt bụi li ti lấm vào áo nàng, như chiếc xe cũ kỹ của chàng.

Thời đó, Phạm Duy không chỉ có những bản tình ca phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên, ông còn có “Con Qùy Lạy Chúa Trên Trời”, thơ Kim Tuấn, “Con Đường Tình Ta Đi " hay “Trả Lại Em Yêu” , để ghi dấu những mối tình học trò trên những con đường không tên, những ngày gặp trong quán nhỏ, uống nước chanh, nước dừa và môi em "ngọt"...


“Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày Thủ Đô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt"




Qua nghìn lời hát, tất nhiên Nhạc Sĩ Phạm Duy đã có những lời ca bóng bảy hơn nhiều để tả những mối tình của Thủ Đô chiều Thứ Bảy, sáng Chủ Nhật, phố xá tưng bừng, nhưng những những dòng thơ của anh thi sĩ trẻ Nguyễn Tất Nhiên, mới thực sự là tiếng nói của giới trẻ, là những dòng tâm tình thoảng một chút bất cần đời, hoang dại, bụi bặm, ngây thơ, không toan tính gì với tương lai.

Cám ơn “cái đầu trẻ” của Bố Già đã nhìn thấy những dòng nhạc nhảy múa trên những câu thơ của anh chàng học trò thi sĩ. Những bài hát này mãi mãi ghi dấu một quãng đời những tưởng khô khan, buồn nản, vì chiến tranh, bom đạn, nhưng sự thật đã là một thời của một giới trẻ lớn lên vẫn thấy đời thơ mộng, lãng mạn, đáng yêu. Trong cái lãng mạn ấy có một chút vị đắng, xót xa của bấp bênh, để đi đến một ý nghĩ: “Thà như giọt mưa bay lất phất trong thành phố, vỡ trên tượng đa, có còn hơn không ù .. . Mặc thời cuộc, người thanh niên vẫn đưa tay hái trái táo, nếm vị tình yêu. Tình yêu hiện diện trong bất cứ hoàn cảnh nào, có mãnh lực đặc biệt, làm mờ đi nỗi lo lắng, buồn khổ, thời sự chung quanh.

Ôi! những bài hát đã đóng góp cho nhạc Tình Việt Nam, thời Nhạc Vàng có một không hai trong lịch sử Âm nhạc Việt Nam, nhạc của thời lớn lên trong khói đạn nhưng vẫn đầy chất lãng mạn, thơ mộng qua muôn nghìn lời ca, điệu hát.





Hoài Cảm
Sáng Tác: Cung Tiến
Tiếng hát: Lệ Thu

http://www.youtube.com/w...-DWo&feature=related

Chiều buồn len lén tâm-tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa

Quạnh hiu về thấm không gian
âm thầm như lấn vào hồn
Buổi chiều chợt nhớ cố nhân
Sương buồn lắng qua hoàng hôn

Lòng cuồng điên vì nhớ
ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa

Một mùa thu xa vắng
Như mơ hồ về trong đêm tối
Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưả

Chờ nhau hoài cố nhân ơi!
Sương buồn che kín nguồn đời
Hẹn nhau một kiếp xa xôi,
nhớ nhau muôn đời mà thôi!

Thời gian tựa cánh chim bay,
qua dần những tháng cùng ngày
Còn đâu mùa cũ êm vuỉ
Nhớ thương biết bao giờ nguôỉ
Xóm Đêm (Phạm Đình Chương) - Lệ Thu hát

Tháng Sáu Trời Mưa - Nguyên Sa
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay nhau bằng ngón tay bấn loạn
Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận

Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm.

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu.
THÁNG SÁU TRỜI MƯA - Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc - Khánh Hà trình bàyhttp://www.youtube.com/watch?v=uFntXSCgEQE

KIẾP NGHÈO

Đường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập gềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi

Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường
Đời gì chẳng tình thương không yêu thương
Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung

Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai
Kiếp nghèo (Lam Phương) - Thanh Tuyền hát
http://www.youtube.com/watch?v=m81p8peoY88
Mưa Đêm Tỉnh NhỏTác giả: Hà Phương

Trời đổ mưa
Cho phố vắng mênh mông
Khơi lòng bao nỗi nhớ.
Trời làm mưa, cho ướt áo em thơ
Mưa rơi tự bao giờ.


Tình yêu đó, phôi pha vào sương gió
Những đêm mưa tỉnh nhỏ
Gợi nhớ tuổi học trò
Tâm tình thường hay ngỏ
Trường tan về chung phố
những lúc trời chiều đổ mưa !


ĐK:
Mưa ! Mưa rơi qua phố buồn
Chạnh lòng bao nhớ thương
Chuyện tình yêu vấn vương.
Ngày xưa đường mưa ướt ê chề
Cùng đưa đón nhau về
Ấm đôi nhân tình trẻ...


Một người sang ngang cuộc đời
Một người đêm tay gối
Chia ly có gì vui
Trời mưa nghe giá buốt tim
Ru anh vào kỷ niệm
thao thức trọn cả một đêm ..


Chờ em, đêm vắng với cô đơn
Ngõ hồn mưa ngập lối
Tình hợp tan
Nhưng vẫn nhớ nhau luôn !
Biết em giờ có buồn ?








Và từ đó
Những đêm trời mưa gió
Thấu chăng người tỉnh nhỏ
Nuôi nấng cả một đời
Mối tình thời xa ấy
Giờ đây đường hai lối
mưa gió về buồn nào nguôi

Mưa đêm tỉnh nhỏ - Tường Khuê & Tường Nguyên hát
MưaMưa giong buồn sợi xuống lơi lơi,
Lạnh của không gian thấm xuống người.
Rơi rớt về đây muôn hướng gió;
Lòng sầu vạn dặm gió mưa phơi.

Hiu hắt đày tôi giữa xứ hờ.
Ý buồn tự kể mộng bâng quơ
Tương tư thấp thoáng sau khe cửa,
Tuy chẳng mong ai cũng đợi chờ.

Tôi luồn tay nhỏ hứng không gian,
Với gió xa xôi lạnh lẽo ngàn.
Tôi để cho hòn theo với lá,
Xiêu xiêu cúi nhẹ trút buồn tràn.

Buồn hão nhưng lòng biết nguôi.
Buồn mưa không định, chỉ ngùi ngùi,
Lòng êm như chiếc thuyền trên bến
Nghe rét thu về hạ bớt mui...
Huy Cận





Mưa - Thùy Chi
http://www.youtube.com/watch?v=bm6ChqzU3lI
Phiên Khúc Chiều Mưa
Kỷ niệm nào ghi nhắc trong tim.
Nghe nhiều ray rứt mãi khôn quên.
Mòn chân ngày tháng không sao tìm.
Khi chiều giăng mây tím.
Hay mưa lúc nửa đêm.

Có lần dừng chân giữa cơn mưạ
Bên hàng hiên ai đứng suy tự
Nhìn tay ngà lướt gieo thương trầm
Ru hồn tôi say đắm
Chợt thấy yêu thương thầm.

Từ đấy bóng hình yêu
Ầp ủ vào bước phiêu lưụ
Đời trai lỡ đường mây
Trên nẻo về trắng đôi taỵ

Khung trời mở giăng đón sao thưa
Nghe lòng thèm phiên khúc năm xưạ
Chỉ nghe lời gió than u hoài
Cung đàn xưa đã lỗi
Người ấy sang ngang rồị


Song Ngọc
Như Mây Như Mưa
Nhạc Lê Tín Hương




Tình ta như mây lênh đênh, ru nhau quên đời buồn tênh
Tình ta cơn mưa êm đềm, thiếu nhau hồn như bóng đêm
Tình ta cho nhau hôm nay, ngỡ như giấc mơ ngày mai
Mây ru ru giấc mộng dài, mưa rơi tình xanh một đời

Tình như mây lang thang, ta đưa nhau đi cuối trời nồng nàn
Tình như mưa bay bay, ta cho nhau say, nụ hôn tình đầy

Tình như mây phiêu du, bên nhau ta quên tháng ngày mịt mù
Tình như mưa rơi rơi, yêu nhau ta vui, niềm vui một đời
Tình ta như mây trên cao, ru nhau quên đời lao đao
Tình ta như cơn mưa rào, xóa tan đời bao đớn đau

Tình ta cho nhau hôm nay, sẽ như giấc mơ ngày mai
Mây ru, ru giấc mộng dài, mưa rơi tình xanh một đời...

Buồn Đêm Mưa





Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ..
Tương tư hướng lạc, phương mờ...
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.
Gió về, lòng rộng không che,
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...


Huy Cận

Tiếng mưa đêm - Ngọc Lan
http://youtu.be/rcC-h6mvwOc

Hai Mùa Mưa


Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi
Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi
Tách cà-phê ấm môi,
Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi
Này cây phượng vĩ bên đường che nắng ban trưa
Này con đường dẫn vào sân ga tắm trăng mơ
Mái trường ngày ấu thơ,
Và nay căn nhà vắng nằm cạnh nhau nghe đêm mưa
Hai đứa vui,
Chưa vơi tâm sự hôm sau anh lên đường
Tôi tiễn anh...
Như bao anh hùng hiên ngang ra sa trường
Vì yêu quê hương anh lặng lẽ bước chân đi
Vì thường non sông tôi gạt nước mắt phân ly
Từng cơn mưa vẫn rơi não nề
Anh nói một năm nữa anh về...
Mùa mưa lại đến tôi mừng vui đón tin anh
Ðèn khuya một bóng nhìn mưa rơi suốt năm canh
Nghĩ rằng tôi vắng anh...
Vì nghiệp trai còn đi giữ quê hương cho chúng mình...
Nhiều khi chờ sáng nghe lòng thao thức canh thâu
Ðường ga nhỏ bé nằm đợi mong đã bao lâu
Tiếng coi đêm lướt mau
Ðoàn tàu đi về mãi mà bạn thân tôi nơi đâu





Hai mùa mưa - Bảo Tuấn háthttp://www.youtube.com/watch?v=PLwIFcKKDp4
Người Ở Lại Buồn

Người đi rồi hai đứa mình ở lại
Đà Lạt tuy buồn nhưng ta có nhau
Chiều âm thầm thông reo đồi gió
Anh đưa em về sương giăng đầu ngõ
Đêm đêm ta nằm nghe bên hiên ngoài mưa đổ miên man.

Hai đứa đến thăm hồ Than Thở
Hai đứa yêu thành phố mưa bay
Yêu lá thông đồi cao xanh ngát
Bầy chim ríu rít hót vui đùa trên đường chiều.

Hai đứa yêu dòng thác Cam Ly
Và mãi yêu những nụ hoa đào
Giữa rừng muôn màu, với nụ hôn đầu thuở mới gặp nhau.

Giờ em đi rồi tôi vẫn còn ở lại
Đà Lạt mưa hoài mưa mãi không thôi
Tình đôi mình mong manh nhiều quá
Ta xa nhau rồi đôi tim lạnh giá
Đêm đêm tôi nằm nghe tâm tư mình thương kẻ cô đơn!


Người Ở Lại Buồn
Anh Bằng - Đặng Thế Luân
http://youtu.be/_D8hl-XNDYQ



DIỄM XƯA
Tác giả: Trịnh Công Sơn

Mưa vẫn bay bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du

TUỔI ĐÁ BUỒN
Tác giả: Trịnh Công Sơn

Trời còn làm mưa
Mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn
Em mang em mang
Đi về giáo đường ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng cài lên tóc mây
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em nồng nàn
Ru em nồng nàn

Trời còn làm mây
Mây trôi lang thang
Sợi tóc em bồng
Trôi nhanh trôi nhanh
Như giòng nước hiền
Ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng vùi quên trong tay
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em giận hờn
Ru em giận hờn

Trời còn làm mưa
Mưa rơi mưa rơi
Từng phiến băng dài
Trên hai tay xuôi
Tuổi buồn em mang
Đi trong hư vô
Ngày qua hững hờ
Trời còn làm mưa
Mưa rơi mưa rơi
Từng phiến mây hồng
Em mang trên vai
Tuổi buồn như lá
Gió mãi cuốn đi
Quay tận cuối trời

Trời còn làm mưa
Mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần
Em quên em quên
Ôi miền giáo đường
Ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi
Em gầy ngón dài
Lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em muộn phiền
Ru em bạc lòng
Tuổi đá buồn - Khánh Ly
Tiếng Mưa Rơi
Khánh Băng
Hạt mưa rơi lạnh buốt vào người
Xót xa dâng lên môi nụ cười
Tiếc thay giấc mơ xưa tuyệt vời. Gió ơi !

Nhìn giòng lệ sầu rơi hoen má hồng
Em bước theo chồng, em đi đường em
Rồi cuộc tình đành ôm kín mơ mộng
Xin chớ khơi tìm vết thương lòng

Rồi từ đây xa tiễn chân người
Trai lính biên thùy, anh đi đường anh
Chyện tình mình là một ánh thơ sầu
Thương nhớ ai còn vấn vương hoài

Từ đây trên vạn nẻo đường dài
Nắng mưa bóng in đôi hình hài
Bước phong sương đôi nơi miệt mài. Gió ơi !

Tình yêu xin đừng đến làm gì
Đến chi cho đau thương ngập tràn
Lắng nghe tiếng mưa rơi bàng hoàng. Gió ơi ! .....


NGƯỜI THƠ TRONG NHỮNG NGÀY MƯA




Tết Âm lịch tại Mỹ luôn luôn nằm trong mùa Đông. Những cơn mưa lạnh bắt đầu từ trước Giáng Sinh vẫn còn kéo dài như gợi thêm nỗi buồn cho kẻ tha hương. Thi nhân Việt Nam, trong những ngày mưa buồn đã từng dệt nên bao nhiêu vần thơ trữ tình tuyệt tác. Gợi lại đây những thi phẩm mùa mưa có thể làm ta nhớ thêm quê hương yêu dấu, thương thêm những người xa cách và hiểu biết thêm văn học nước nhà. Lắng nghe tiếng lòng của người thơ trong những ngày mưa chắc không làm ta chán nản cuộc sống hiện tại, mà có thể giúp ta cảm thấy gần gũi nhau hơn qua niềm thông cảm chung của thi ca.

Mùa mưa ở Việt Nam không bắt đầu ở mùa Đông hay Xuân mà khởi sự trong mùa Hè và kéo dài qua mùa Thu với những cơn mưa dầm tầm tã tháng bảy, tháng tám. Một áng thơ tuyệt tác, nhưng thật u sầu, tìm được trong kho tàng thi ca cổ Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ, đã diễn tả cảnh mưa này như sau:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Dặm đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha?


Đoạn thơ trên được trích trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" của Nguyễn Du, một khuôn mặt vĩ đại của thi ca Việt Nam. Tuy không phải là tác phẩm chính của Nguyễn Du, các đoạn thơ trong bài "Văn Tế" cũng là những áng thơ tuyệt tác. Cảnh mưa dầm trong buổi chiều thu gần cõi âm thật là thê lương, ảo não; nhưng thật ra có cảnh mưa nào, nhất là dưới mắt thi nhân mà không buồn?


Sau này, Huy Cận, một trong những khuôn mặt lớn của thi ca thời tiền chiến cũng đã đưa ta đến một nỗi buồn mênh mông qua bài thơ lục bát bất hủ "Buồn Đêm Mưa":
Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tại nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẽ loi
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
Tương tư hướng lạc phương mờ
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
Gió về lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư.


Thơ Huy Cận chứa một hồn buồn, một nỗi buồn mênh mông trong một khung cảnh thời gian và không gian thật mơ hồ. Vì thế "nhớ không gian" không hẳn là nhớ một nơi nào nhất định. "Không gian" trong câu đầu chỉ nhằm tạo một cảm giác thật mơ hồ nhưng rộng lớn để tăng cường cho "nỗi hàn bao la" ở câu sau. Ngoài ra, tính đồng nhất của bài thơ là nhịp điệu chậm chậm của những giọt mưa kèm với nỗi buồn nhẹ nhàng, vu vơ. Có nghĩa là mưa to khiến khí trời nặng nề mà ngược lại, những hạt mưa nhỏ rơi lác đác, nhẹ nhàng trên mái nhà tạo một cảm giác buồn dìu dịu, đó là tất cả điệu buồn của đêm mưa:
"Rơi rơi dìu dịu rơi rơi,
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ".



Đọc xong toàn bài, một cảm giác mưa lạnh tràn ngập tâm hồn, ta tưởng chừng như mình đang trằn trọc trong một đêm mưa, lạnh lùng và cô độc, lắng nghe những giọt mưa rơi nhè nhẹ dai dẳng trên mái nhà và hình dung có ai đang đi lẻ loi ngoài mưa nơi xa vắng. Bài thơ này là cả một nỗi buồn mênh mông trong một không gian và thời gian bao la và sâu thẳm.

Cũng đồng thời với Huy Cận trong thời tiền chiến, Lưu Trọng Lư đã sáng tạo một hình ảnh mưa độc đáo:
Mưa mãi mưa hoài!
Lòng biết thương ai
Trăng lặn về non không trở lại.
Mưa chi mưa mãi!
Lòng nhớ nhung hoài
Nào biết nhớ nhung ai
Mưa chi mưa mãi!
Buồn hết nửa đời xuân
Mộng vàng không kịp hái
Mưa mãi mưa hoài!
Nào biết trách ai
Phí hoang đời trẻ dại
Mưa hoài mưa mãi!
Lòng biết tìm ai.

Tác giả đã sử dụng thơ tự do, không theo thể nhất định, nhưng lại tận dụng điệp ngữ, âm điệu và tiết điệu để diễn tả cảnh mưa kéo dài lê thê.

Một khuynh hướng khác độc đáo trong thời tiền chiến là tượng hình, nghĩa là sắp xếp các chữ để tạo một hình ảnh tăng cường cho nội dung định diễn tả. Thí dụ điển hình là bài "Sương Rơi" sau đây của Nguyễn Vỹ, bài thơ gồm có các câu hai chữ và được sắp thành ba cột. Tác giả định tạo hình ảnh của những hạt sương, hạt mưa đang rơi:
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành Rồi hạt
Dương liễu Sương trong Rơi sương
Nhưng hơi Tan tác Cành dương
Gió bấc Trong lòng Liễu ngả
Lạnh lùng Tả tơi Gió mưa
Hiu hắt Em ơi Tơi tả
Thấm vào Từng giọt Từng giọt
Hạt sương Điêu tàn Tơi bời
Thành một Trên nấm Mưa rơi!
Vết thương Mồ hoang Gió rơi!
Lá rơi!
Em ơi!

Khía cạnh nghệ thuật của bài thơ trên không phải là cách xếp chữ mà chính là tiết điệu được tác giả sáng tạo để diễn tả những giọt sương, giọt mưa rơi, tương tự như những giọt mưa của Huy Cận:
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ


Nhưng mưa không phải chỉ là những giọt nhẹ nối lời vu vơ, mưa còn tràn ngập tâm hồn thi sĩ với cả một trời kỷ niệm, mưa làm rộn lên trong lòng người thơ mối tình trong mơ thuở xa xưa. Muốn biết mưa đã nói gì với thi nhân, ta nên đọc hết "Tình Trong Mưa" của Bàng Bá Lân:
Chiều ấy mưa rào ở xóm Đông
Cho người ủ dột đứng bên sông,
Xa nhìn đắm đuối tìm trong gió
Chỉ thấy màu mưa trắng ngập đồng
Ai biết mưa rơi nói những gì?
Lá buồn gieo lệ khóc lâm ly
Lòng bâng khuâng quá, xôn xao nhớ
Cả một tình yêu buổi ấu thì
Buổi một nàng qua dưới mái hiên
Đường mưa in nuột gót chân tiên,
Ta nhìn theo bước đi ren rén,
Bỗng cả lòng yêu náo nức liền!
Từ ấy trên đường loang loáng mưa,
Tìm hoài đâu thấy gót chân xưa?
Đường mưa bao gót chân mưa bước
Gợi mãi tình yêu buổi dại khờ.

(Tiếng Võng Đưa)


Ai ngờ một thoáng yêu trong một chiều mưa thuở thiếu thời lại ghi sâu mãi vào hoài niệm người thơ. Và ai ngờ với một chút kỷ niệm tầm thường ấy, được gợi lên trong những ngày mưa, thi nhân đã đúc thành những vần thơ tình buồn man mác. Phải chăng thi nhân luôn vướng mắc tình buồn hay phải chăng những ngày mưa lạnh dễ làm giấc mộng yêu xưa sống lại trong lòng? Ta hãy nghe Đinh Hùng kể lại mối sầu trong một đêm mưa:
Có kẻ nghe mưa trạnh mối sầu,
Vắt tay chờ mộng suốt đêm thâu
Gió từ sông lại, mưa từ biển,
Không biết người yêu nay ở đâu?

Người ta xa lánh cả tôi rồi!
Trở gối, nghe hồn động biển khơi,
Xa bạn, xa lòng, xa mắt đẹp,
Gió mưa dòng tóc đắng vành môi.

(Chớp Bể Mưa Nguồn)



Nếu mưa để gợi lên mối sầu tình ái thì mưa cũng để nhắc nhở một niềm đau bao la, rộng lớn hơn, niềm đau khổ của kẻ tha hương. Các bạn có bao giờ tình cờ đi qua các công viên, vỉa hè hay các bãi cỏ ướt trong những cơn mưa nhè nhẹ nơi đây, để nghe mùi đất ẩm, quê hương xa thẳm? Kỷ niệm tình cảm này đã được Bình Nguyên Lộc diễn tả khi dừng chân trên bến tàu một ngày mưa; mùi đất, nước đã làm ông ngây ngất lòng sầu cố hương:
Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,
Quán bên hè, uống tách cà phê
Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.
Bến Ông Lãnh màn mưa bao phủ,
Ghe thương hồ ủ rủ dưới kia,
Ghe ơi, vài bữa ghe về,
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?

Mùi đất nước ruộng bùn phảng phất,
Nhớ cố hương ngây ngất lòng sầu,
Năm năm, bao cuộc bể dâu
Phút giây ôn lại, như hầu hôm qua.

(Trên Bến Ông Lãnh)


Câu chuyện ở trong chính lòng Việt Nam yêu dấu mà "cố hương" của tác giả, huyện lỵ Tân Uyên chỉ cách xa bến Ông Lãnh, nơi tác giả dừng chân đụt mưa có vài giờ đường xe: sự xa cách quê hương chỉ ở hoàn cảnh loạn ly lúc bấy giờ mà thôi. Thế mà tình cảm vẫn dâng tràn khiến ông, một nhà văn ít khi làm thơ, đã dệt được những vần thơ nhớ quê hương êm đềm và dễ thương nhất. Còn chúng ta hôm nay ôi! Quê hương đã xa quá rồi, quê hương cách nửa địa cầu! Lòng sầu viễn xứ của chúng ta sẽ bao la dường nào trước cảnh mưa trên một bến sông mơ buồn nào đó của quê người.

Những ngày này, các cơn mưa lạnh về, báo hiệu mùa đông nơi đất khách và cũng là mùa xuân của kẻ tha hương.

Ai là người trong chúng ta không mong được chấp cánh chim trời, bay về quê hương xa vắng, để trong mơ sống những ngày xuân đầm ấm của hồi còn thơ, ai là người không cùng một "Tâm Tình Cuối Năm" với Đinh Hùng:
Từng cơn mưa lạnh đến dần,
Đời chưa trang điểm mà xuân đã về!
Hững hờ để nước trôi đi,
Giấc chiêm bao hết lấy gì mà say?
Quê ai đầm ấm đâu đây,
Cho tôi về sống những ngày trẻ thơ.

Quê nhà ai sẵn nụ cười,
Núi sông hồn hậu, mà trời bao dung?
Cho tôi về hưởng xuân cùng,
Bao giờ hoa nở thì lòng cũng nguôi.



Những ngày mưa đã làm thi sĩ tạo được những vần thơ kỳ diệu và sẽ là nguồn thơ bất tận cho các thế hệ thi nhân Việt Nam sau này. Qua một số thi phẩm về mưa, ta đã đủ thấy tính cách lãng mạn và phong phú của thi ca Việt Nam mà tình người, tình quê đều bàng bạc khắp nơi. Niềm rung động của thi nhân cũng là niềm rung động chung của mọi người, cũng giúp mọi người Việt hiểu biết nhau hơn, thương yêu quê hương hơn. Đối với mọi người, dù là thi nhân đang sáng tác hay người đọc, thi ca Việt Nam vẫn là nguồn an ủi vô biên cho những kẻ tha hương. Và ngày mưa rồi sẽ tạnh, hoa xuân sẽ nở, các bạn yêu thơ chúng ta sẽ hưởng một mùa xuân đầy hứa hẹn.


Giang Thiên Tường

No comments: