Wednesday, December 7, 2011

Mưa Trong Thi Ca

Thoi Tơ

Nguyễn Bính

Em lo gì trời gió,
Em sợ gì trời mưa,
Em buồn gì mùa hạ,
Em tiếc gì mùa thu !

Em cứ yêu đời đi !
Yêu đời như thưở nhỏ.
Rồi để anh làm thơ
Và để em dệt lụa.

Lụa dệt xong may áo,
Áo anh và áo em.
May áo nếu lụa thiếu,
Xe tơ em dệt thêm.

Thơ làm xong anh đọc.
Bên anh em lắng nghe.
Và để lòng thổn thức,
Theo vần âu yếm kia !

Mộng đẹp theo ngày tháng,
Đi êm đềm như mơ.
Khác nào trên khung cửi,
Qua lại chiếc thoi tơ ...







TRONG MƯA
Mưa rơi nhẹ như là tóc ấy
Giống dải lụa mềm quấn nỗi buồn bay
Mưa rơi khẽ như hoa vậy
Vỗ vào đêm hoá các nốt đàn gầy!

Em có thầm nghe mưa bay ngoài đó...
Em có buồn khi gió thổi đêm đêm...
Đứng trong mưa hồn anh tràn bão tố
Mưa rơi vào anh... tan ra nơi em xa không?

Em bước nhẹ! Những tháng năm hoang dại
Về bên anh mái tóc rối tơi bời
Anh hôn mãi những giọt mưa em thuở ấy
Dẫu chỉ thấy còn bong bóng vỡ đây môi...

Phạm Ngọc Thái


TRỜI MƯA Ở HUẾ

Trời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Trời mờ ngao ngán một loài mây.

Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập Đá mênh mang bến nước đầỵ
Đò vắng khách chơi nằm bát úp
Thu về lại giở gió heo may...

Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây

Thuốc lào hút mãi người ra khói
Thơ đọc suông tình hết cả hay
Túi rỗng nợ nần hơn Chúa Chổm
Áo quần trộm mượn, túng đồ thay.

Hàng xóm có người con gái lẻ
Ý chừng duyên nợ với nhau đây
Chao ơi! ba bốn tao ân ái
Đã đủ tan tành một kiếp trai.

Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ!
Đành phụ nhau thôi, kẻo đến ngày
Khăn gói gió đưa sang xứ lạ
Ai cười cho được lúc chia tay?

Trời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ?
Mà nhớ mà thương đến thế này!

Cố nhân chẳng khóa buồng xuân lại
Vung vãi ân tình khắp đó đây.
Mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo
Cả đến ông trời cũng đổi thay

Gia đình thiên cả lên thành thị
Buôn bán loanh quanh bỏ cấy cày
"Anh em cánh nhạn người Nam Bắc
Tâm sự hồn quyên lệ ngắn dài..."

Trời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say

Nón lá áo tơi ra quán chợ
Trơ vơ trên bến nước sông đầy
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành lạnh ngón tay.

Ôn lại những ngày mưa gió cũ
Những chiều quán trọ, những đêm say
Người quen nhắc lại từng tên một
Kể lại từng nơi đặt dấu giầy

Trôi dạt dám mong gì vấn vít
Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
Tỉ tê gợi tới niềm tâm sự
Cúi mặt soi gương chén rượu đầy

Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ
Đôi lòng hòa một vị chua cay
Đứa thương cha yếu thằng thương mẹ
Cha mẹ chiều chiều... con nước mây

Không hiểu vì đâu hai đứa lại
Chung lưng làm một chuyến đi đầy?
Trời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...

NGUYỄN BÍNH

 Mưa trên phố Huế

Sáng tác : Minh Kỳ
Trình bày : Ngọc Hạ
http://www.youtube.com/watch?v=TFxGOu2lfAc

Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài
cho lòng nhớ aỉ
Ngày chia tay hôm nao còn đây
Nước trên sông Hương còn đầy
Tình đã xa gió mưa u hoài
mắt lệ ngắn dài

Chiều nay trên Kinh Ðô Huế
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ
anh còn nhớ không?
Chợ Ðông Ba khi mình qua
Lá me bay bay là đà
Chiều thiết tha có anh bên mình
mà ngỡ hôm qua

Hò...ơị..!!! Ơị..hò...!!!
Chiều mưa phố buồn
Chiều mưa phố xưa u buồn
có ai mong đợi
Một người biền biệt nơi mô
Ðể nhớ với thương một ngườị

Chiều nay mưa trên phố Huế
Biết ai đã quên ai rồi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi đều
cho lòng u hoàị
Ngày xưa mưa rơi thì sao
Bây chừ nghe mưa lại buồn
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng
làm mình cô đơn.
ĐI TRONG MƯA
Ta nhớ mãi ngày xưa

Thích đi hoài trong mưa

Giữa chiều thương đô thị

Đi mấy cũng không vừa

Thuở ấy trời mưa bay

Ta thường uống rượu say

Rồi đi trong thành phố

Nhìn trời mưa bay bay

Ta đi mãi suốt ngày

Lòng bâng khuâng cô độc

Chẳng thương nhớ một ai

Lá vàng rơi trên vai

Mưa rơi lá vàng rơi

Ta đi mãi trong đời

Một mình trong gió lạnh

Ngày ấy đã xa rồi




Hạ Ái Khanh

AI ĐI NGOÀI SƯƠNG GIÓ - NGUYỄN HỮU THIẾT - LỆ THUhttp://www.youtube.com/watch?v=OdkLYVdCB8M


 


Mưa

Văn Phụng
Mưa rơi rơi trên đường, mưa rơi suốt canh trường
Mưa rơi ướt phố phường, mưa trôi lá trong vườn,
Mưa đang tí tách reo ven tường.

Mưa rơi trên sông dài, mưa qua khắp non đoài
Mưa cho thắm hoa đời, mưa cho hết u hoài
Mưa cho đám lúa non mỉm cười

Mưa đem tươi vui về cho thắm áo nâu
Mưa cho nương dâu và khoai sắn lên mau
Mưa như trút sầu
Mưa tươi lúa đầu
Mưa rơi qua Bến Hải, Cà Mau

Mưa rơi trên vai chàng
Mưa rơi ướt vai nàng
Mưa rơi khắp thôn làng
Mưa reo những cung đàn
Mưa như tiếng ru con dịu dàng




Mưa yêu bông hoa đời,
Mưa yêu biết bao người
Mưa không biết hững hờ
Mưa thương lúa bơ vơ
Mưa yêu lúa mong mưa từng giờ

Mưa yêu thương ai nghèo
Mưa cho lúa ngô nhiều
Mưa cho hết tiêu điều
Mưa cho những ai nghèo
Mưa cho thắm bữa cơm ban chiều

Mưa rơi phương đông rôì mưa tới phương tây
Mưa gieo hương xuân về trên những luống cây
Mưa rơi chốn này
Mưa cho lúa đầy
Mưa cho duyên ta càng nồng say

Mưa không yêu ngang đường
Mưa không muốn ai buồn
Mưa yêu nước non này
Mưa yêu mến dân cày
Mưa cho lúa ngô hơn gạo đầy
Mưa còn gieo xuống đời
Mưa về cho lúa thêm tươi




Mưa (Văn Phụng) - Hà Thanh Xuân hát







Mưa quê người nhớ mưa quê nhà


Trận mưa dường như đã bắt đầu từ lúc nửa đêm. Tiếng mưa rơi dòn dã trên mái nhà đã đánh thức tôi một cách bất ngờ, thảng thốt. Giấc ngủ còn chập chờn vì những viên thuốc tối qua bỗng tỉnh táo, nao nức dậy như để thưởng thức đầy đủ hơn cái âm điệu nhịp nhàng, thánh thót ngoài trời kia. Mấy tháng hè đã trôi qua từ lâu, những ngày oi bức nắng cháy đã quá sức đủ để thèm khát một cơn mưa trở về làm tươi mát, làm dịu đi cái hừng hực của đất trời, như đêm nay. Cali đã vào cuối Thu, vậy mà chưa có được một trận mưa nào đủ làm thấm đất, lại còn thêm những trận cháy rừng mịt mùng khói lửa, đã thiêu hủy biết bao cơ nghiệp, tài sản của con người lẫn thiên nhiên trong tháng trước, khiến Cali càng khô cằn, nứt nẻ, cạn kiệt hơn. Cali cần mưa cũng như tôi cần thức giấc, xua đuổi đi những giấc mơ, hoang tưởng trong những tháng ngày qua. Tiếng mưa rào rạt đập vào khung cửa kính trên đầu giường, tiếng gió rú lên từng cơn, chợt gần, rồi xa như trêu cợt, đùa giỡn.

Thật không gì dễ gợi nhớ đến quá khứ, kỷ niệm bằng mưa, và nhất là mưa ở xứ người lạnh lùng, nhạt nhẽo, càng khiến tôi nhớ nhung, da diết đến những cơn mưa gần gũi, thân thiết của một thời tuổi nhỏ đã xa lắc ở quê nhà.


Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh, nỗi hàn bao la.
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn

……………………………………

Rơi rơi…dịu dịu…rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…

Bài hát “Buồn đêm mưa” của Phạm Đình Chương chợt trở về có làm cho tôi bâng khuâng, thao thức đêm nay, thì cũng chỉ là một cái cớ để nhắc nhở tôi nhớ tới một bài hát đã ăn sâu vào ký ức từ những ngày mưa thời thơ ấu của tôi cho mãi đến bây giờ.

Thời thơ ấu của tôi là những ngày bình thản, êm đềm trong một xóm lao động. Nhà tôi ở là căn giữa của một dãy nhà gồm ba căn, nằm ngay phía sau lưng của một trường tư thục. Sát vách phía trái là nhà của Bà Hai, bà sống chỉ một mình nên cho một anh học trò trung học tên Lang ở trọ, anh có tài đàn và hát rất hay. Tôi nhớ cứ vào buổi chiều, khi nhà nhà đã lên đèn, khi bên ngoài bắt đầu mưa lâm râm là anh lại mang cây đàn guitar ra dạo và hát bài “Chiều mưa biên giới” của Nguyễn văn Đông, bài hát với những giai điệu và lời thật buồn, nhất là lại nghe trong lúc trời mưa sụt sùi, dưới ánh đèn dầu hiu hắt.



“Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu.

Kìa rừng chiều âm u rét mướt,

chờ người về vui trong giá buốt,

người về bơ vơ...


Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay?

Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng.

Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng

người tìm về trong hơi áo ấm

Gợi niềm xa xăm….”


Chiến tranh lúc đó vẫn còn ở rất xa thành phố, nhưng hầu như gia đình nào cũng có người thân vào lính. Rất nhiều bài hát đã viết cho lính, để ca ngợi, động viên tinh thần người chiến sĩ đi chiến đấu ở phương xa. Nhưng bài “Chiều mưa biên giới” này tôi được nghe lần đầu từ người anh láng giềng với một tâm tình rất lạ. Dù chỉ mới tám, chín tuổi, còn quá nhỏ để có thể hiểu hết ý tứ của từng lời hát, nhưng tôi nhớ mỗi lần nghe anh hát, là tôi nghĩ ngay đến cái hình ảnh buồn bã, cô đơn, và cảm thương được cái nỗi bâng khuâng, trống vắng của những người lính xa nhà, hiu quạnh giữa một khoảng đất trời mênh mông, lạnh lẽo trong buổi chiều mưa. Cũng không biết, bài hát có mang mểnh hoặc gửi gấm tâm sự gì của anh không mà anh lại rất thích hát. Giọng anh trầm ấm, buồn bã hòa với tiếng đàn dìu dặt, thiết tha đã quyến rũ, làm mềm lòng tôi, nên những lần sau, mỗi khi nghe anh bắt đầu dạo đàn là tôi vội chạy sang, ngồi xà xuống chiếc chiếu bên cạnh anh để nghe hát và lẩm nhẩm theo, đến nỗi chỉ vài lần tôi đã thuộc lòng và…đòi hát song ca với anh dù giọng hát của tôi lúc đó chỉ mới mấp mé ở…vòng sơ kết.

Tôi say “tiếng hát với cung đàn” của anh Lang từ lúc nào không biết, có khi, trời không mưa, tôi cũng bắt anh đàn và hát bài này. Hôm nào anh bảo: “ Mai đi, hôm nay anh bận” là tôi về nhà buồn hiu hắt. Năm sau, anh Lang dời lên Sài gòn để tiếp tục đại học, tôi đã buồn bã, rũ rượi như vừa bị ai cướp mất đi người anh, người bạn thân yêu nhất. Chiều chiều, vẫn chạy sang nhà bà Hai xem anh Lang có trở về để đàn hát cho tôi nghe không? Một thời gian sau lại nghe anh vào lính, không biết anh có còn nhớ tới bài hát này mỗi khi trấn đóng ngoài tiền đồn, biên giới trong những chiều mưa chăng? chứ tôi thì cứ mỗi khi mưa rơi, hoặc nghe radio cho hát bài “Chiều mưa biên giới” là cứ rươm rướm nước mắt, nhớ đến anh Lang với tiếng đàn guitar và lời hát buồn ray rức mãi rất lâu mới nguôi. Sau đó, tôi không bao giờ có dịp gặp lại anh để cám ơn và nói với anh rằng: nhờ anh mà tôi, con bé “óc tiêu” ngày xưa, đã sớm thấm thía được cái “hồn” của những cơn mưa chiều và có đủ can đảm để…biết hát.

Chuyện mưa trong xóm nhỏ của thời thơ ấu không phải chỉ có thế.

Trận mưa giông giật đêm nay càng làm tôi nhớ đến những cơn mưa sầm sập, tối trời, tối đất của những tháng Bảy, tháng Tám ở Biên Hòa. Lúc đó, ba má tôi hàng ngày đi làm và trông coi cửa tiệm ở ngoài chợ, chị em tôi ở nhà, ngoài giờ đi học thì bác Hai, người giúp việc, bắt phải ở trong nhà đóng cửa lại, học bài hoặc chơi với nhau, sợ bọn tôi chạy sang hàng xóm lở đánh nhau hoặc có chuyện gì rủi ro thì phiền phức lắm. Trời mưa là một dịp để được ra ngoài, được “tắm mưa” thỏa thuê, ngữa mặt nhìn đất trời, la hét, đùa giỡn mà không sợ bị ai la mắng. Bốn chị em cứ tranh nhau để được đứng dưới cái máng xối trước hiên nhà, đón từng đợt nước ùa tràn từ trên mái ngói đổ xuống, chảy theo luồng máng xối tuông thành những giòng nước lớn rơi ào ạt trên tóc, trên thân và tự cho là đã được tắm “vòi sen” (từ chữ “douche” của tiếng Pháp). Hoặc chạy sang tranh chỗ tắm với mấy đứa bạn hàng xóm. Cười nắc nẻ, đẩy xô, tung tóe nước vào nhau chẳng cần phân biệt trai, gái. Tắm… tắm cho đến khi mưa tạnh, môi tím ngắt, run lập cập mới chịu vào nhà. Dạo ấy, mưa là niềm vui, là mong ước rất hồn nhiên của tuổi thơ, của chị em tôi và đám trẻ con trong xóm. Chúng tôi ngóng mưa, chờ mưa và… gặp mưa thì sung sướng không thua gì được mẹ đi chợ về cho quà vậy.




Mãi cho đến năm tôi mười một tuổi, một hôm cũng đang tắm mưa, đùa giỡn ngon lành với Hoa, con nhỏ bạn hàng xóm, cửa nhà nó đối mặt ngay cửa nhà tôi và hai nhà chỉ cách nhau bằng một cái hàng rào kẻm gai cao hơn cái đầu của người lớn và một cây lê-ki-ma. Bỗng dưng nó ghé vào tai tôi nói nhỏ:

“Du ơi, anh tao đang ngồi ở bển (nhà của nó) ngó mày kìa.”

Tôi quay ngoắt người lại nhìn theo tay nó chỉ, quả thật… thằng anh của nó đã ngồi trên cái ghế bành to lớn bằng gổ ở trước cửa nhà nó từ lúc nào và đang… chăm chú nhìn về phía tôi, thấy tôi quay lại hắn còn nhoẻn miệng cười như là không… có gì hết. Tự nhiên, tôi nhìn xuống thân mình, cái áo lót sát cánh bằng vải phin và cái quần đùi tôi vẫn thường mặc khi tắm mưa, ướt đẫm và dính sát vào người lộ rõ hết cả da thịt bên trong, thường khi tôi cứ tỉnh bơ, không thèm để ý gì cả, vì chung quanh còn có mấy đứa…tắm truồng nữa kìa, vậy mà lần này, tôi lại thét lên một tiếng “Á!” và chạy biến ngay vào nhà, bên tai còn nghe tiếng con nhỏ Hoa cười hăng hắc vẳng theo. Chuyện cũng bởi vì cách đó khoảng một tuần, Hoa sang chơi với tôi, nói chuyện một lúc bỗng nhiên nó đổi giọng nghiêm trang hơn nói:

“Du ơi, anh Sang nói với tao là ảnh… để ý tới mày, ảnh thích mày lâu lắm rồi."

Ngày nào ảnh cũng ngồi ở cái “ghế bành” (bọn tôi đặt tên như vậy vì cái ghế này chỉ cho một người ngồi mà nó to lắm, lại có hai cái tay ghế vươn cao trông rất…ngầu) chờ mày đi học về để ngó mày. Mà tao nói thiệt, tao thấy mày làm chị dâu tao được lắm đó, Du ơi!” Tôi trợn mắt nhìn nó, vừa kinh ngạc mà lại cũng vừa… nhột nhạt! Con nhỏ này hôm nay có… sảng không mà dám tuyên bố bằng cái giọng cứ như là “bà mai” thứ thiệt vậy?

“Trời ơi, mới có mấy tuổi đầu mà đã bày đặt nói tới chuyện… người lớn rồi. Ba má tao “quýnh” chết!”.

Tôi nhớ mình rất ít khi nói chuyện với anh nó và mỗi lần nói chuyện cứ luôn xưng hô “mày, tao” với hắn mà thôi. Năm đó, tôi đang học lớp năm và anh nó đang học lớp đệ ngủ, vậy mà tôi không cách nào gọi hắn khác hơn, dù sau này, hắn cố tình tìm cách làm thân và… năn nỉ tôi gọi hắn bằng tên cũng được. Chắc tại tôi ít chơi với bọn con trai và cứ nghĩ hắn giống như mấy đứa bạn gái của tôi vậy. Dù chẳng có tình ý gì hết, nhưng buổi tắm mưa hôm đó là buổi tắm mưa cuối cùng của tôi. Tôi nhất định không bao giờ ra ngoài tắm mưa nữa, mặc dù Hoa và đám em rủ rê, dụ dỗ hết lời. Sau này, khi gia đình tôi dọn nhà ra chợ. Hoa vẫn ghé thăm tôi và nhắc về… mối tình của anh nó. Mối tình đã khiến tôi phải sớm… đoạn tuyệt với cái thú “tắm mưa”.

Đến khi lớn lên một chút, nhà dọn ra ngoài phố ở, chuyện “tắm mưa” đã trở thành dĩ vãng, thì “ngắm mưa” mới thật là một thú thần tiên. Căn nhà bây giờ ở ngay phố chợ huyên náo, ầm ỉ suốt ngày đêm, không còn cái tịch mịch, im ắng của những đêm mưa trong xóm cũ nữa. Phòng ngủ và là phòng học của tôi ở trên lầu, có cái cửa sổ nhìn ra vườn phía sau nhà. Đối diện là lưng của dãy phòng ngủ cao sừng sững quét vôi màu đen, lâu ngày gió mưa đã làm phai nhạt biến thành màu xám xịt, mốc cời, nhưng may là có “mảnh vườn” khá rộng của ba tôi trồng cây ăn trái ở giữa đã che khuất và làm sinh động hơn cái khoảng không gian … tái ngắt của dãy nhà này. Những ngày mưa, nếu không đi học tôi có thể ngồi nhà “ngắm mưa” từ cửa sổ của phòng mình, chống cằm, dõi mắt nhìn theo từng hạt mưa bay. Thì thầm… đếm mưa. Mưa rơi… mưa rơi… hạt to… hạt nhỏ… Hạt nào rơi trên lá, hạt nào vào hư không?

Lạ lùng, mưa rơi dù nhẹ hay nặng hạt, những cành cây ổi, cây mảng cầu, cây mận và những tàu lá chuối vẫn bền bỉ, đong đưa, uốn mình theo gió thật nhịp nhàng, lả lướt như thể nhờ mưa để tắm gội cho trơn mướt, tươi tắn, mượt mà hơn. Có hôm mưa to, phải đóng hết các cửa sổ thì lại xuống dưới nhà, vừa ngồi phụ mẹ làm khuy áo, vừa tiếp tục “ngắm mưa”, nhìn mưa tuôn ào ạt trên sân, bắn tung tóe những tia nước trên mặt đất, rơi xuống hòa vào nhau, chảy thành dòng, thành những bong bóng nước phập phồng trôi lũ lượt dưới hiên nhà, rồi quanh co, lượn lờ trên các ngỏ phố trước khi mất hút ở phía cuối đường. Bỗng dưng tôi thấy mình gần gủi, thân thiết với cái hình ảnh đơn sơ mà đầy tình tự ấy, hình ảnh của “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” rất quê nhà, rất Việt Nam.

Đến tuổi mười sáu, mười bảy, mưa lại trở thành những ước mơ, những khám phá kỳ thú của tâm hồn. Tôi đã có những ngày phải… rên rỉ vì mưa. Mưa đã vô tình khơi động, đã làm sướt mướt thêm những “nỗi buồn không tên” của một thời mới lớn.


“Buổi sáng được bắt đầu bằng cơn mưa.
Và cơn mưa bắt đầu cho một nỗi buồn.
Ôi, buổi sáng thứ hai!

Tôi tìm được gì trên khoảng hành lang dài, loang loáng nước,
Tôi chờ đợi gì trong đôi mắt đen buồn thăm thẳm kia?
Khi bước chân người quá vội vàng,
Đôi môi người luôn im kín.

Hỡi người, tôi có lạ gì đâu?
Bao tháng năm lặng lẽ dài lâu
Tôi chỉ mới vừa mười bảy tuổi
Mười bảy tuổi chỉ để đùa vui nô nức

Hay ngoan hiền như những búp non
Nhưng hỡi người!
Người đã mang đến cho tôi những ngày thứ hai.
Ôi! những ngày thứ hai huyền diệu.

Tôi nghe ở đó,
Có tiếng thì thầm êm ái của tâm linh
Có tiếng rên khẻ của con tim xao động
Và cuối cùng,
Loang dài thành một nỗi nhớ nhung…

Nhưng hỡi con tim mềm yếu của tôi!
Tôi làm sao quên được
Tôi chỉ là một cô bé nhỏ
Đứng lạnh lùng bên khung cửa lạnh lùng
Chờ nghe ngày thứ hai qua vội vã
Như những bước chân người vội vã trên hành lang.

(Thở Dài – Thơ Tưởng Dung Trích tập Tình Khúc 72)


Cái khoảng không gian nhỏ bé trong lớp học lúc đó bỗng dưng ấm áp và tràn đầy sinh khí hơn bởi những giọt mưa nồng nàn, lãng mạn từ những lời ca, tiếng hát hòa với mưa bụi ngoài trời, thật tuyệt!

Nhưng thích nhất vẫn là nằm “nghe mưa”, những trận mưa đêm nồng nàn hương đất. Nhà tôi sàn được lót toàn bằng gạch, các phòng ngủ trên lầu được bao bọc bằng những vuông cửa lưới, nên mỗi tối cứ lau nhà xong là nằm dưới đất mà ngủ, không cần giăng mùng, tha hồ lăn từ đầu tới cuối phòng. Cuộn mình trong chăn, chợt nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà, là thích thú, là mở to mắt, bắt đầu chờ nghe những âm thanh quen thuộc khác, tiếng gió rít, tiếng cây cối xào xạc chuyện trò, tiếng sấm vang, chớp giật và nhất là tiếng mưa rơi trên mái ngói, mái tôn lúc như thì thầm, kể lể lúc như gào thét, giận hờn. Có khi mưa thật to, mưa như từ khắp nơi cùng ùa về, bủa vây kéo theo những cơn gió mang mùi hương của cây cỏ, lá hoa hòa cùng với hương đất tạo thành một mùi hương mới, hít vào nghe lâng lâng, dịu mát. Quấn chặt người vào chăn, càng thấm thía cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc của người được bao bọc, che chở trong vòng tay ấm cúng của gia đình, càng khiến tôi nhớ đến những kẻ bơ vơ, không nhà đang chịu ướt lạnh, rét mướt, dưới những mái hiên hoặc ngoài hè phố và cảm thương hơn nỗi niềm cô đơn, giá buốt của họ.


Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim
Đã mấy năm qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn khi nghe tiếng mưa đêm.

-…………………………………….

Mưa ơi, mưa ơi còn nhớ thương nhiều.
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều, nhớ nụ cười khi nâng niu
Đôi tay run run ánh mắt mẹ hiền
Biết tìm về chốn nào, mẹ ơi biết chăng
Đêm về quạnh hiu nghe tiếng mưa rơi càng nhớ thương nhiều.
Đường về đèn khuya in bóng cô liêu..

(Đèn Khuya – Lam Phương)






Mưa vẫn tuông đổ ào ạt, liên tục trên mái nhà. Tôi vẫn còn thức, nằm tỉnh táo nghe mưa, ngẩn ngơ vì những kỷ niệm xưa cũ chợt ùa về như một cuốn phim tuyệt đẹp. Tuổi thơ của các con tôi ở Mỹ chắc chắn không hề biết đến cái thú tắm mưa mà mẹ chúng đã có và nếu được nghe kể lại hẳn chúng sẽ… nhăn mặt hoặc cười phá lên và kêu “Ew, kỳ cục quá!”. Còn ngắm và nghe mưa, nếu có, thì chắc cũng sẽ với những tâm tình rất khác, hoàn toàn không phải là những cảm giác, ấn tượng mà tôi đã có trong thời niên thiếu.

Vì thế, mưa luôn là những cơ hội, những thôi thúc mà tôi có thể nhớ và tìm về nguồn cội. Cám ơn trận mưa đêm nay, đã đưa tôi trở về thăm lại những nhánh sông đời đã từ lâu rẽ nguồn, khuất lối. Mưa ở quê người chắc không sao bằng mưa ở quê nhà, nhưng dù là kẻ lạ, cũng xin được tri ân những giọt mưa đã làm tươi mát, rực rỡ thêm phần đất mà biết bao người Việt tha hương đã chọn làm nơi trú ẩn và làm một cõi để đi về.


Tưởng Dung

No comments: