Wednesday, December 7, 2011

Mưa Rơi

Mưa Rơi

Tác giả: Ưng Lang
Lời : Châu Kỳ


Mưa rơi ...
Chiều nay vắng người
Bên thềm gió lơi
Mơ bóng ngàn khơi

Mưa rơi ...
Màn đêm xuống rồi
Mây sầu khắp nơi
Thương nhớ đầy vơi

Bâng khuâng nghe tiếng tơ dịu dàng
Nhìn lá úa theo hoa tàn
Tiếc thay phút giây lìa tan


Ai đi như xóa bao lời thề.
Thuyền theo nước trôi không về
Thấu cùng lòng ai não nề
Riêng chốn phòng khuê

Mưa rơi ...
Đìu hiu dưới trời
Ðêm dài vắng ai
Thương nhớ nào nguôi





Bài hát “Mưa rơi” của Ưng Lang

Thanh Trang

Lớp người trẻ ngày nay có mấy ai biết đến bài hát “Mưa rơi” của Ưng Lang không nhỉ? “Trẻ” có nghĩa là bốn mươi lăm, năm mươi trở xuống. Mà cho dù không mấy ai biết đến đi nữa thì chắc chắn cũng chả phải do nơi lỗi của họ; vì nếu như các CD trên thị trường, các chương trình gọi là “Nhạc thính phòng”, các ca sĩ chỉ quen hát những “Mưa Sài Gòn mưa Hà-Nội” của Phạm Đình Chương (phổ thơ Hoàng Anh Tuấn; cả hai đều đã qua đời) và “Đuờng xa ướt mưa” của Đức Huy, chẳng hạn, thì làm sao người nghe người ta biết đến những giai điệu đẹp của một thời đã qua, tưởng chừng như lâu lắm! Tuy cũng cần mở ngoặc để nêu sự thể là cả hai bài tôi vừa dẫn làm ví dụ đều là những bài có giá trị cả; và nếu chỉ đưa ra những bài ngang ngửa như thế thì còn nói mà làm gì. Chỉ phiền là người nghe vẫn cứ phải nghe những bài về mưa chả có ra làm sao cả!

Đối với lớp người thích nghe ca hát thuộc cái lứa sáu mươi đổ lên thì hẳn nhiên bài hát “Mưa rơi” của Ưng Lang không lấy gì làm xa lạ! Ai khác sao không biết nhưng riêng tôi thì xưa giờ lúc nào cũng có thể nghe đi nghe lại cả chục lần trong một lúc bài “Mưa rơi” mà chả cảm thấy phiền hà gì hết! Nghe vào những hôm sắc trời ủ dột, mây đen kéo tới rồi cứ thế mưa rả rích trong đêm thì lại càng cảm thấy thấm thía; và cứ thế mà nhớ nhung đủ thứ chuyện xa chuyện xưa!

Nhạc sĩ Ưng Lang năm nay, 2008, tám mươi chín tuổi. Xem danh tính, chẳng cần quen thì ta cũng đều biết ông là người xứ Huế, thuộc hàng danh gia vọng tộc! Tám mươi chín nhưng trông ông vẫn có khuôn mặt cân đối, đặc biệt thanh lịch. Giọng nói vẫn còn âm sắc rõ ràng. Đủ biết là xưa kia ông đẹp giai và hấp dẫn đối với đám nữ lưu xứ Huế cỡ nào!

Gặp ông, tôi nhắc lại bài “Mưa rơi” và bài “Chiều tiễn biệt” mà xưa kia người ta đã từng đưa vào bộ phim Việt Nam ở Sài Gòn vào cái thời cuối thập niên 50. Thường thì bao giờ gặp gỡ những vị như thế này tôi đều một mực kính cẩn và tri ân. Không có các vi ấy thì xưa kia hồi còn nhỏ tôi đã chẳng đuợc nghe những giai điệu đẹp đẽ của các vị để rồi từ đó yêu thích âm nhạc! Ai trong giới sáng tác bất cứ bộ môn gì mà làm ra cái kiểu như “tài năng” của mình là do ”trời phú”, chả có rau Mơ rễ Má gì với giống người thì tôi đồ chừng là trước sau cũng chả làm nên cơm cháo gì!

Tôi còn nhớ khi đề cập đến bài “Mưa rơi” thì tôi có tò mò hỏi thăm đôi điều và đuợc ông dẫn giải về “lai lịch” của nó như sau:

- Thưa Chú, nguyên lai gì dẫn đến bài “Mưa rơi” ?
- Ấy là năm 45. Tôi đang làm việc ở Vinh, ngoài Thanh Hóa, vì nghề của tôi là Kỹ Sư Công Chánh.
- Dạ?
- Thế rồi tôi quen cô ấy!
- Chú cho cháu biết danh tính đuợc chăng?
- Tên là XX (*) ; mẹ của YY (**) về sau này.
- Tức là nữ ca sĩ YY?
- Đúng rồi!
- Kiểu như lời lẽ trong bài hát thì sau đấy hai người xa nhau?
- Đúng rồi!

Hỏi xong thì tôi mới sực thấy mình là ngớ ngẩn! Đôi bên ngày đó không xa nhau thì người ta đã thành vợ ông rồi còn gì? Mà đã lấy đuợc nhau thì dễ gì có bài hát? Đã lấy đuợc nhau thì làm gì lại có chuyện :”Ai đi, như xóa bao lời thề? Thuyền theo nước trôi không về.. Thấu cùng lòng ai não nề nơi chốn phòng khuê ? Mưa rơi …” (***)

- Thế rồi về sau Chú có gặp lại người ta?
- Có! Có gặp lại, nhưng rồi người ta cũng đã qua đời!
- Chú ở lại Vinh cho đến năm nào?
- Nhật nó đảo chánh một cái là tôi trở về Huế!
- Chú ở Huế đuợc bao lâu?
- Sau đảo chánh năm 63 thì tôi vào Sài Gòn!
- Vậy thì khi người ta đưa bài hát “Chiều tiễn biệt” vào phim xi-nê tức là Chú viết bài đó ngoài Huế?
- Đúng rồi!

Bài “Mưa rơi” nó hay ở chỗ nào? Nó hay ở giai điệu cùng lời lẽ theo phong cách của thời “Tiền chiến”. Nó hay và đẹp ở chỗ nó rất giản dị. Tôi còn nhớ lời của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn”Khi mới bắt đầu sáng tác thì tôi cứ tìm cách làm sao cho cầu kỳ phức tạp, sao cho “lạ”, thế nhưng càng về sau, càng có kinh nghiệm rồi thì tôi thấy rằng làm thế nào cho hay mà giản dị thì mới là điều khó!” Thì chứ còn gì nữa!







Chỉ cần một người biết đệm ghi-ta sơ sơ, từ đầu đến cuối bài “Mưa rơi” mà cứ bấm hợp âm “Re Trưởng”, một hai chỗ chêm vào hợp âm “Sol Trưởng” hoặc “La Trưởng bực 7” và thế là xong! Mà giai điệu của người ta hay thì vẫn cứ là hay! Chà cần gì phải làm ra cái kiểu “uyên bác”, ba hồi thì “augmenté”, ba hồi thì “diminúe”, ba hồi thì “6 è” hay là “9è”, nói theo tiếng Pháp, thì mới ra trò “đặc sắc”! Cứ xem những bức danh họa của Tàu khi xưa, có bao nhiêu màu sắc nếu không phải chì là mực Tàu nhưng ba hồi đậm, ba hồi nhạt; mà rồi danh họa thì vẫn là danh họa chứ việc gì cứ phải tô trát đủ thứ màu mè vào đấy?

Tôi đàn bài “Mưa rơi” như để trở về với những kỷ niệm của một thời rất xưa cũ đối với riêng mình.

Thanh Trang
Nam Cali., đầu mùa Xuân 2008

(*) và (**) : Xin cứ tạm xử dụng dưới dạng bí danh như thế đã vì có liên quan đến người còn sống !

(***) : Tôi có hỏi kỹ tác giả xem nơi bản in xưa kia của bái “Mưa rơi” thầy ghi phần lời là của Nhạc Sĩ Châu Kỳ thì sự thể là như thế nào? Ông trả lời:”Bài hát tôi làm lúc đó đã xong cả nhạc lẫn lời. Thế rồi Mộc Lan xa Châu Kỳ mà đi Hà Nội. Châu Kỳ có tâm sự buồn như vậy cho nên khi thấy bài hát của tôi thì đề nghị cho thay đổi vài chỗ trong lời hát cho gần với cảnh ngộ của mình, dụng ý của Châu Kỳ là lấy đấy như một lời “gửi gấm tâm sự” cho người đã xa mình! Tôi đồng ý để Châu Kỳ sửa vài chỗ như thế và đồng ý để Châu Kỳ đứng tên nơi phần lời ca cho đúng với nguyện vọng về mặt tình cảm riêng tư của anh ấy!

No comments: